Nâng hàm lượng chất xám
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:35, 15/01/2019
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận nỗ lực của TP Hà Nội, các doanh nghiệp trong việc định hình những sản phẩm công nghiệp chủ lực thời gian qua. Bởi xét trên góc độ kinh tế, 61 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội năm 2018 chiếm 35,2% giá trị sản xuất ngành Công nghiệp thành phố; chiếm 7,7% tổng sản phẩm trên địa bàn.
Tuy nhiên, nếu xem xét cụ thể hơn về nhóm 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2018 sẽ thấy “bóng dáng” các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ, chất xám, có tính dẫn dắt nền sản xuất, tạo ra từ các sáng chế được cấp bản quyền vẫn ở mức khiêm tốn. Hơn nữa, việc sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội phụ thuộc nhiều vào xuất - nhập khẩu cũng có nhiều rủi ro do thị trường thế giới biến động khó lường. Nhìn rộng hơn, muốn phát triển bền vững, tiến xa hơn trong thời đại toàn cầu hóa, Cách mạng công nghiệp 4.0 thì nền sản xuất công nghiệp nói chung, các doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hà Nội còn nhiều việc phải làm.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã có định hướng, chính sách tái cơ cấu sản xuất, trong đó có lĩnh vực công nghiệp. Thành ủy Hà Nội khóa XVI đã ban hành Chương trình 03-CTr/TU về “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững”. Mới nhất, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 26-1-2018 phê duyệt “Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025”. Mục tiêu hướng đến là tập trung phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường như công nghệ vật liệu mới, chế tạo khuôn mẫu, điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí chính xác…
Muốn có những sản phẩm công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, điều tất yếu là phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp, xây dựng được hệ thống cơ chế chính sách để doanh nghiệp coi đầu tư cho nghiên cứu khoa học là nhu cầu tự thân. Đặc biệt, cần có giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp thấy rõ động lực, lợi ích khi đầu tư đổi mới công nghệ, chú trọng quản lý và nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm, dịch vụ.
Điều đáng mừng là những năm gần đây, các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp lớn trên địa bàn Thủ đô đã chú trọng hơn cho công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, minh chứng là việc Hà Nội hiện có 42/203 doanh nghiệp khoa học, công nghệ của cả nước. Các mô hình này đều phát triển từ kết quả nghiên cứu được thương mại hóa và hứa hẹn sẽ nâng hàm lượng chất xám trong các sản phẩm, hàng hóa có xuất xứ từ Hà Nội. Cùng với đó, hàng trăm dự án khởi nghiệp đang trong quá trình định vị thương hiệu, huy động nguồn vốn đầu tư và rất cần sự hỗ trợ về kinh nghiệm quản lý… để những năm tới có thể chọn ra một số sản phẩm tốt nhất, tham gia vào nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố.
Ngoài ra, để có sản phẩm công nghiệp chủ lực đủ sức chinh phục thị trường trong và ngoài nước thì tất yếu cần phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ; chú trọng hơn đến công tác truyền thông, quảng bá, kết nối giao thương cả thị trường trong và ngoài nước.
Sản xuất công nghiệp là xương sống của các nền kinh tế. Với định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố, hy vọng ngành Công nghiệp Thủ đô sẽ có thêm nhiều sản phẩm với hàm lượng chất xám cao, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững.