Xây dựng lộ trình tắt sóng 2G
Xe++ - Ngày đăng : 07:16, 15/01/2019
Công nghệ 5G cũng là data, nhưng được thiết kế cho kết nối vạn vật và vì vậy 5G được cho là phù hợp với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã định hướng cấp phép thử nghiệm 5G trong năm 2019 để chuẩn bị cho thương mại hóa...
Các nhà mạng trong nước cung cấp dịch vụ di động dựa trên 3 loại công nghệ 2G, 3G, 4G. Hiện một số quốc gia trên thế giới đã thực hiện tắt sóng mạng 2G, thậm chí cả mạng 3G để "giải phóng" băng tần cho 5G. Vì theo sự phát triển của công nghệ và xu hướng người dùng, thuê bao sử dụng điện thoại cơ bản (thoại, nhắn tin) 2G ngày càng giảm, tỷ lệ thuê bao dùng dữ liệu ngày càng tăng.
Lượng thuê bao 2G giảm, trong khi nhà mạng vẫn phải vận hành mạng di động với 3 lớp (2G, 3G, 4G) và 4 lớp sắp tới nếu thêm 5G sẽ gây tốn kém chi phí. Thêm nữa, lượng thuê bao 2G sụt giảm mà vẫn phải dành cả tần số cho công nghệ này cũng là lãng phí. Ngoài ra, 2G được các nhà mạng trong nước cung cấp ở băng tần 900MHz - được coi là băng tần quý vì ở vị trí thấp nên có suất đầu tư thấp hơn so với những băng tần ở vị trí cao, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư...
Ở Việt Nam, theo ước tính lượng thuê bao 2G vẫn còn nhiều, chiếm trên 30% và câu chuyện tắt sóng 2G chưa thể thực hiện ngay, thậm chí trong vòng vài năm tới. Tuy nhiên, đã đến lúc, cơ quan quản lý nhà nước tính chuyện xây dựng lộ trình tắt sóng 2G, để khuyến cáo khách hàng có nhận thức và chuẩn bị cho việc này. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý và các hãng công nghệ cần xây dựng kế hoạch hỗ trợ thiết bị điện thoại thông minh cũng như các chính sách ưu đãi về giá thiết bị cho người dùng khi chuyển đổi từ sóng 2G sang 3G, 4G...