Sau vụ việc khách du lịch Việt Nam “ở lại” Đài Loan: Quản lý chặt chẽ, tăng cường truyền thông

Du lịch - Ngày đăng : 06:46, 15/01/2019

(HNM) - Việc 152 du khách Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 12-2018 đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành, cũng như đặt ra yêu cầu công tác quản lý phải chặt chẽ hơn để hạn chế tình trạng nói trên.

Đài Loan (Trung Quốc) là một trong những thị trường thu hút đông đảo khách du lịch.


Hậu quả thấy rõ


Câu chuyện du khách Việt Nam tham gia tour rồi tìm cách bỏ trốn ở lại nước sở tại đã xuất hiện từ nhiều năm qua. Các công ty lữ hành tổ chức tour đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một số nước châu Âu luôn được lưu ý về hiện tượng này. Trước đây, dư luận từng xôn xao về vụ 56 du khách Việt Nam của hàng loạt công ty lữ hành đã bỏ trốn khi tới đảo Jeju (Hàn Quốc). Bên cạnh đó là nhiều vụ khác với quy mô nhỏ hơn… Nhưng tất cả đều không đáng kể khi so sánh với vụ việc 152 khách du lịch “mất tích” ở Đài Loan. Vụ việc này như “giọt nước tràn ly”, gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiện tượng khách du lịch bỏ trốn khi ra nước ngoài nhằm tìm kiếm việc làm bất hợp pháp. Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đã tích cực phối hợp với phía Đài Loan để tìm những người “mất tích” cũng như rà soát hoạt động của các công ty lữ hành liên quan. Tuy nhiên, theo Tổng cục Du lịch, vụ việc đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành, gây khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành và du khách.

Hệ lụy thấy rõ là phía Đài Loan đã tạm dừng việc cấp visa nhập cảnh theo chính sách Quan Hồng dành cho các công ty lữ hành quốc tế Việt Nam được Cục Du lịch Đài Loan lựa chọn. Chính sách visa Quan Hồng của Đài Loan tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn khách từ 5 người trở lên. Các công ty Việt Nam được Đài Loan chỉ định chỉ cần tổng hợp thông tin cá nhân trên hộ chiếu của khách, sau đó lập danh sách và gửi lên Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam để xin visa. Các công ty này sẽ bảo lãnh cho khách, giúp đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian chờ đợi cũng như tiết kiệm chi phí. Khi việc cấp visa Quan Hồng bị dừng lại, du khách phải xin visa theo cách truyền thống, phải chứng minh khả năng tài chính và nộp lệ phí.

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty Vietsense Travel nhận xét: “Vụ việc gây ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, ngành Du lịch nói chung và doanh nghiệp lữ hành, du khách nói riêng. Chúng tôi không chỉ chịu ảnh hưởng bởi chính sách visa Quan Hồng bị dừng lại, mà còn bởi khả năng các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam xét nét hơn khi làm thủ tục cấp visa cho du khách”.

Còn bà Phi Thị Thu Khuyên, Phó Trưởng phòng Tiếp thị & Truyền thông Công ty Du lịch Vietrantour cho biết, sau khi phía Đài Loan điều chỉnh chính sách về visa, một số khách của công ty đã bày tỏ sự không hài lòng khi phải chi thêm tiền làm visa với mức 50-75 USD tùy thời gian nộp hồ sơ. Khoản chi này chiếm khoảng 5% tổng chi phí của một tour Đài Loan với giá trung bình từ 14 triệu đồng đến 21,3 triệu đồng/khách.

Cũng theo bà Phi Thị Thu Khuyên, theo thông tin cập nhật từ Cục Du lịch Đài Loan, phía Đài Loan chỉ mở lại visa Quan Hồng cho đoàn khách du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị (du lịch MICE) và khách du lịch tàu biển.

Tăng cường công tác truyền thông

Người lao động và khách du lịch Việt Nam tới Đài Loan (Trung Quốc).


Sau vụ việc du khách Việt Nam “mất tích” tại Đài Loan, Tổng cục Du lịch đã gửi công văn tới các doanh nghiệp lữ hành, yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định hiện hành; kiểm tra, rà soát kỹ các đối tượng khách trước khi nhận cung cấp dịch vụ visa, tổ chức chương trình đi du lịch nước ngoài và các dịch vụ liên quan. Mặt khác cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến du khách về các quy định pháp luật của Việt Nam và nước sở tại, đồng thời cảnh báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của khách du lịch về hậu quả của việc xuất cảnh, cư trú, lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài trước khi tổ chức chương trình du lịch. Các công ty lữ hành phải ký hợp đồng chặt chẽ với khách và đối tác cung cấp dịch vụ để bảo đảm quyền lợi của du khách và doanh nghiệp; có biện pháp quản lý đoàn khách chặt chẽ trong quá trình tổ chức tour...

Liên quan tới vấn đề nói trên, bà Phi Thị Thu Khuyên nêu kinh nghiệm, Công ty Du lịch Vietrantour luôn thực hiện chặt chẽ khâu xét duyệt hồ sơ của khách đi đến các nước, vùng lãnh thổ thuộc diện “nhạy cảm”. Qua quy trình xét duyệt nghiêm ngặt, Công ty từng trả lại 500/1.000 hồ sơ đăng ký du lịch Hàn Quốc...

Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, những vụ việc nói trên cho thấy cần tổ chức một đầu mối quản lý để có thể quy trách nhiệm rõ ràng. Đương nhiên, đầu mối chịu trách nhiệm quản lý phải được trao quyền tối đa để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Tham gia xử lý vụ việc 152 khách Việt Nam “mất tích” tại Đài Loan vừa qua, Chánh Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội Vũ Công Huy đề xuất: “Cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền sâu rộng về hệ lụy từ việc khách du lịch bỏ trốn, tìm cách lao động bất hợp pháp ở nước ngoài để người dân xác định rõ những nguy hiểm, rắc rối có thể xảy ra. Các quốc gia, vùng lãnh thổ rất nghiêm khắc trong chuyện này nên hành vi phi pháp chắc chắn dẫn đến hậu quả lớn".

Vụ việc du khách bỏ trốn đặt ra yêu cầu siết chặt giải pháp quản lý. Nhiều vấn đề phải giải quyết, không chỉ cần sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm từ phía những người làm du lịch, mà còn cần cả sự nhận thức từ phía người dân về hệ lụy của việc bỏ trốn khi đi du lịch nước ngoài.

Minh Quang