Ngoại trưởng Mỹ công du Trung Đông: Nỗ lực trấn an các đồng minh

Thế giới - Ngày đăng : 07:43, 15/01/2019

(HNM) - Theo kế hoạch ban đầu, trong chuyến công du kéo dài 8 ngày (bắt đầu từ 7-1), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ lần lượt thăm Jordan, Iraq, Ai Cập, Bahrain, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, Saudi Arabia, Oman và Kuwait.

Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo trong buổi Đối thoại chiến lược Qatar - Mỹ tại Doha ngày 13-1.


Tuy nhiên, ngay sau chặng dừng chân ở Oman, chuyến đi đã bị cắt ngắn vì ông M.Pompeo phải trở về dự đám tang của người thân. Mặc dù vậy, yếu tố bất ngờ này đã không ảnh hưởng đến việc thực hiện những mục tiêu của chuyến đi.

Tại các điểm đến, Ngoại trưởng M.Pompeo đều nêu bật thông điệp Mỹ sẽ không bỏ rơi Trung Đông. Washington tiếp tục thực hiện tất cả cam kết với các nước Arab. Việc tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn là một ưu tiên của Washington dù Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút quân khỏi Syria. Tuy nhiên, Mỹ cũng muốn các đối tác thân cận tại Trung Đông gánh vác thêm trọng trách bảo đảm an ninh và ổn định khu vực trong bối cảnh có những lo ngại về sự trỗi dậy trở lại của các tổ chức cực đoan sau khi quân đội Mỹ rời đi.

Thông điệp trên phần nào trấn an các nước đồng minh của xứ sở Cờ hoa tại Trung Đông, vốn đang lo ngại quyết định rút quân của Mỹ sẽ tạo điều kiện cho Iran tăng cường hiện diện tại Syria để trợ giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad khôi phục hoàn toàn quyền lực. Đây là nhiệm vụ cấp bách của ông M.Pompeo trong chuyến công du nhằm xóa bỏ mối e ngại từ các đồng minh trong khu vực về sự thay đổi chính sách của Nhà Trắng. Ngoại trưởng M.Pompeo khẳng định, việc Mỹ đưa quân khỏi Syria sẽ diễn ra từ từ, theo lịch trình và Washington không hề có ý định rời bỏ Trung Đông hoàn toàn.

Đối với Iran, trong phát biểu tại Cairo (Ai Cập), Ngoại trưởng M.Pompeo nhấn mạnh Mỹ và đồng minh sẽ áp dụng biện pháp ngoại giao nhằm hạn chế phạm vi ảnh hưởng của Tehran ở khu vực. Ông tuyên bố các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ chống Iran nằm trong số những biện pháp mạnh tay nhất trong lịch sử và sẽ tiếp tục siết chặt đến khi nước này thay đổi chính sách. Quan điểm đó đã nhận được sự hoan nghênh đáng kể. Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại UAE, ông Anwar Gargash đánh giá, phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ có vai trò quan trọng trong việc củng cố sự ổn định ở Trung Đông, đồng thời cho thấy Washington vẫn coi trọng quan hệ với các đối tác truyền thống.

Thực tế, Iran cũng được coi là động lực để Mỹ duy trì sự liên kết mạnh mẽ với Saudi Arabia bất chấp căng thẳng liên quan tới cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. Cũng không phải ngẫu nhiên, Saudi Arabia là chặng dừng chân ngay sau Qatar của ông M.Pompeo. Sự lựa chọn này cho thấy Mỹ mong muốn đóng vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết căng thẳng giữa Doha và 4 đồng minh khác của Mỹ là Bahrain, Ai Cập, Saudi Arabia và UAE. Trong quan điểm của Washington, tình trạng này không có lợi mà chỉ tạo điều kiện cho Iran tận dụng thời cơ để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Động thái này cũng giúp Mỹ vỗ về Qatar, nơi Washington đặt căn cứ quân sự lớn nhất tại vùng Vịnh và là bàn đạp chính trong các chiến dịch quân sự của Mỹ ở vùng đất này.

Cùng với Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, chuyến công du của Ngoại trưởng M.Pompeo cho thấy Washington dành sự quan tâm đặc biệt tới việc củng cố quan hệ với các đối tác lâu năm tại Trung Đông. Tuy nhiên, những tuyên bố mà người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ đưa ra trong suốt hành trình chỉ là giải pháp xoa dịu tạm thời. Washington sẽ phải có những bước đi thực tế mạnh mẽ và đáng tin cậy hơn để thực sự chinh phục lòng tin của những người bạn cũ ở Trung Đông.

Hoàng Linh