Trung tâm tập hợp trí tuệ đóng góp cho sự đổi mới, phát triển của đất nước
Chính trị - Ngày đăng : 07:13, 15/01/2019
Trong những thành tựu đó có sự đóng góp không nhỏ của Ban Kinh tế Trung ương.
Đó là đánh giá của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Kinh tế Trung ương mới đây. Phát huy kết quả đó, Ban Kinh tế Trung ương phải thực sự một trong những trung tâm của Đảng, Nhà nước về tập hợp trí tuệ, sự cộng tác, hợp tác của chuyên gia trong nước và ngoài nước đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những dấu ấn quan trọng
Năm 2018, Ban Kinh tế Trung ương đã có nhiều đổi mới và nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao, đạt nhiều kết quả tích cực. Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành một khối lượng đề án lớn và một số đề án có tầm chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ban đã chủ trì xây dựng và hoàn thành 7 đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Điển hình như Nghị quyết về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nhiều vấn đề lớn, khó và phức tạp cũng đang được Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu, như: Chính sách đất đai, các chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chiến lược phát triển năng lượng quốc gia…
Ngoài ra, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp triển khai nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tham mưu trình Bộ Chính trị một số đề án về phát triển kinh tế như: Nghị quyết về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Ban cũng hoàn thành tốt công tác thẩm định, tham gia ý kiến với 129 đề án, dự án, về xây dựng thể chế và phát triển kinh tế - xã hội. Các ý kiến thẩm định của Ban Kinh tế Trung ương được đánh giá có chất lượng, thể hiện rõ quan điểm, thẳng thắn và có trách nhiệm.
Đối với công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Ban, năm 2018, Ban đã chủ động triển khai việc giám sát thực hiện 3 nghị quyết quan trọng về kinh tế của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; và phát triển kinh tế tư nhân). Qua giám sát, Ban Kinh tế Trung ương đã phát hiện một số vấn đề tồn tại, hạn chế trong học tập, quán triệt, tuyên truyền và thực hiện các Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII, đồng thời đề xuất một số giải pháp với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, địa phương có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn.
Ban Kinh tế Trung ương cũng là một trong những cơ quan đi đầu trong khối cơ quan Đảng trong thực hiện thí điểm Đề án chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính. Đồng thời, Ban triển khai có hiệu quả, thiết thực Quy chế phối hợp công tác với Ban Cán sự đảng Chính phủ và các cơ quan liên quan; phối hợp tốt trong công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và thẩm định, tổ chức được nhiều diễn đàn, hội thảo và triển lãm có quy mô lớn, phục vụ cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng.
Với kết quả đạt được trong 3 năm qua, Ban Kinh tế Trung ương đã từng bước nâng cao vai trò, chức năng của một cơ quan tham mưu, chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội.
Nâng cao vai trò tham mưu chiến lược
Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 9-1-2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: “Kết quả hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương trong thời gian vừa qua đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng về tái lập Ban Kinh tế Trung ương”. Tuy nhiên, phía trước là không ít khó khăn, thách thức có thể không thể lường trước. Vai trò của Ban Kinh tế Trung ương là dự báo, phát hiện sớm những vấn đề để Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội xử lý sớm là cực kỳ quan trọng. Đồng chí Trần Quốc Vượng lưu ý: Thời gian tới, vai trò tham mưu chiến lược của Ban Kinh tế Trung ương cần được đề cao hơn nữa. Để làm được điều này, đồng chí Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh một số nhiệm vụ quan trọng gồm:
Thứ nhất, cần tập trung nâng cao hơn nữa nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề lớn về kinh tế - xã hội, phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, các vấn đề xã hội gắn với kinh tế, góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019. Nhiệm vụ năm nay đã được xác định rõ, đó là tiếp tục ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế kinh tế; cải thiện nhanh môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Thứ hai, Ban Kinh tế Trung ương phải thực sự là một trong những trung tâm của Đảng, Nhà nước về tập hợp trí tuệ, sự cộng tác, hợp tác của chuyên gia trong nước và ngoài nước đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Trên cơ sở đó, phát hiện, đề xuất các nhiệm vụ đột xuất, thực sự cấp thiết, có ý nghĩa đối với đất nước và phục vụ xây dựng các văn kiện của Đại hội XIII của Đảng, trong đó có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2030. Các nghiên cứu của Ban phải rút ra được những bài học, đề xuất được chủ trương, giải pháp mới để chuẩn bị cho các văn kiện Đại hội. Đây là một nhiệm vụ mà Ban Kinh tế Trung ương cần tập trung mạnh hơn, vì lực lượng của Ban không nhiều, nếu không phải là trung tâm tập hợp trí tuệ của các nơi thì không thể làm được.
Thứ ba, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng công tác thẩm định; quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế để đưa các nghị quyết của Đảng đi nhanh vào cuộc sống. Qua đó phát hiện các mô hình, điển hình tiên tiến nhằm khích lệ, biểu dương, nhân rộng cũng như rà soát, phát hiện những vi phạm để kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh. Đồng thời tiếp tục rà soát, chủ động triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho Ban Kinh tế Trung ương. Ban Kinh tế Trung ương cũng cần chú ý tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Đây là một chức năng rất quan trọng của ban Đảng. Khi nghị quyết đã ban hành cần hết sức coi trọng công tác kiểm tra, giám sát. Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: “Đã có pháp luật, có nghị quyết của Đảng, nhưng cần phải có kiểm tra, giám sát thì nghị quyết mới đi vào cuộc sống. Kiểm tra, giám sát không phải để xử lý ai mà là nhắc nhở, để chúng ta làm tốt hơn...”.