Sự rèn luyện tự thân
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:01, 16/01/2019
Tại Hà Nội, văn hóa công vụ đã được cụ thể hóa thông qua các chương trình, đề án, mà tiêu biểu là Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố. Quy tắc này được coi như chuẩn mực để mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự soi, tự điều chỉnh hành vi, tác phong…; từ đó góp phần xây dựng văn hóa công sở, cơ quan, đơn vị và cao hơn là thực hiện chủ đề công tác: “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Điển hình là nhiều mô hình, phương thức giải quyết thủ tục hành chính sáng tạo, văn minh, hiện đại, gần dân, phục vụ nhân dân được triển khai rộng rãi ở các cấp. Người dân khi đến cơ quan công quyền làm thủ tục được hướng dẫn tận tình, giải thích thấu đáo. Số hồ sơ được xử lý đúng hạn ngày càng tăng và luôn chiếm tỷ lệ cao. Nhiều nơi, cán bộ bộ phận "một cửa" đến tận nhà làm thủ tục, trả kết quả giải quyết thủ tục cho hộ gia đình, người già, neo đơn… Suy nghĩ thủ tục hành chính "hành là chính" đang được xóa dần thông qua hình ảnh những "công bộc" đạo đức, tận tình, trách nhiệm…
Tuy nhiên, để có được sự thay đổi toàn diện về văn hóa công vụ có lẽ vẫn cần thêm thời gian. Bởi văn hóa hình thành từ nhiều yếu tố và trong một quá trình. Thực tế, bệnh vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm vẫn xuất hiện ở nhiều công sở. Không ít cán bộ, công chức vẫn mang nặng tư tưởng ban phát, xin - cho, gây phiền hà, sách nhiễu… Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy 51% doanh nghiệp chưa hài lòng về thủ tục lĩnh vực xây dựng, mà lý do là "chính sách chung thì tốt nhưng đội ngũ công chức thực hiện chưa tốt" đã minh chứng cho điều này.
Với tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân, trong đó xây dựng văn hóa công vụ là yêu cầu quan trọng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ và coi đó là cơ sở quan trọng để dần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực cho cán bộ, công chức, viên chức. Đã có nhiều tiêu chí được định lượng, định hình, cụ thể hóa, như: Sẵn sàng nhận nhiệm vụ; không thoái thác, trốn tránh trách nhiệm; không nịnh bợ cấp trên; không kén chọn vị trí công tác… Trong giao tiếp với nhân dân thực hiện "4 xin, 4 luôn" là xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ…
Hiện đề án đang được các cấp, ngành quán triệt, triển khai và sẽ có kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chuẩn mực văn hóa công vụ ở cán bộ, công chức, viên chức. Chắc chắn việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức lệch chuẩn, thiếu văn hóa công vụ, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực… sẽ nghiêm khắc hơn. Song, vấn đề quan trọng hơn cả vẫn là ý thức và sự tự giác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Tự giác học tập, tự giác soi mình và sửa mình; coi sự rèn luyện là đòi hỏi tự thân để làm tốt hơn, trách nhiệm hơn công việc của mình. Có như vậy, đề án đi vào cuộc sống nhanh chóng và hiệu quả, trở thành động lực mạnh mẽ cho một nền hành chính “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” trong năm 2019 và các năm tiếp theo.