Mai trắng miền sơn cước
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:34, 18/01/2019
Về Tản Lĩnh những ngày giáp Tết, chúng tôi vui lây với cảnh người - xe tấp nập vận chuyển gốc mai đi tiêu thụ. Trên khắp nẻo đường qua xã chỉ thấy từng chuyến xe rầm rập vào - ra. Rất nhịp nhàng, hàng loạt chậu mai tập kết tại nơi đất trống rồi được chuyển lên những xe tải chờ sẵn. Mai khoe sắc, người bận rộn... làng hoa vui như Tết!
Vườn mai rộng 4 mẫu của gia đình ông Đỗ Văn Thơ, thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì). |
Trong ngôi nhà khang trang hơn 300m2, ô tô đỗ ngay hiên, xung quanh là vườn mai trắng và hàng nghìn cây mai đã lên chậu, sẵn sàng phục vụ thị trường Tết, ông Đỗ Văn Thơ (thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh) tiếp chúng tôi bằng nụ cười tươi rói, tác phong nhanh nhẹn nhưng vẫn nguyên sự chất phác, lam làm của nông dân. “Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên trồng mai trắng trên đất Tản Lĩnh. Ngày mới trồng mai, tôi phải mang đi bán rong hoặc gửi các hộ dân có đất mặt đường nhờ trưng bày, bán giúp... Tôi không bao giờ dám mơ có ngày nhờ cây mai trắng mà có được “nhà cao cửa rộng”. Với hơn 4 mẫu trồng mai, trong đó có 8 sào mai thế và 4 mẫu trồng phôi, Tết này, vườn nhà tôi cung ứng cho thị trường khoảng 1.500 chậu mai trắng các loại, giá bán 400 nghìn đồng đến gần chục triệu đồng/chậu, tùy vào độ tuổi, thế cây, chất lượng cây hoa... Thời điểm này, tôi đã bán được 50% số chậu mai cho thương lái, cầm chắc 800 triệu đồng. Số còn lại là những cây đẹp nhất, gia đình tôi để dành cho bán lẻ. Tuy nhiên, phải hết ngày 30 Tết mới chắc lời lãi ra sao...” - ông Thơ chia sẻ với vẻ khiêm nhường của người từng thăng trầm với cây hoa...
Như ông Thơ, dịp Tết, các hộ trồng hoa ở Tản Lĩnh đưa ra thị trường cả vạn gốc mai trắng với giá bán buôn trung bình mỗi gốc từ 200.000 đồng trở lên. Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Nguyễn Thị Mai Yến cho hay, những năm gần đây, mỗi hộ trồng mai trắng ở Tản Lĩnh có thu nhập từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/năm. Mai trắng ở Tản Lĩnh được trồng nhiều nhất ở thôn An Hòa. Toàn thôn có khoảng 240 hộ thì gần 60% gia đình tham gia trồng mai trắng và cây cảnh. Thực tế cho thấy, mô hình trồng mai trắng có thu nhập cao gấp nhiều lần so với mô hình trồng trọt, chăn nuôi khác. Nhờ hoa mai, người dân phát triển kinh tế gia đình và có điều kiện đóng góp rất lớn trong xây dựng nông thôn mới. Cây mai trắng “bén rễ” ở đây cũng được gần 20 năm và ngày càng tỏ ra phù hợp với thổ nhưỡng vùng này. Nhiều người trong xã mạnh dạn đầu tư lớn vào vườn mai trắng, đã thu lãi lớn nên được xây nhà to, sắm ô tô, tiện nghi sinh hoạt... góp phần thay đổi diện mạo thôn, xã...
Để "thủ phủ mai" không mai một
Cây mai trắng khi chưa nở, nụ màu hồng; khi nở hoa có màu trắng muốt rồi chuyển dần thành phớt hồng khi sắp tàn. Đã vậy, cây mai trắng Tản Lĩnh còn rất phong phú về thế, về dáng, về hoa... nhưng theo những người sành hoa thì cây mai đẹp là cây có thân gốc xù xì, càng lâu năm càng đắt; bông nở hết độ một cách tự nhiên, không gượng ép, không hỗ trợ bằng hóa chất... Để có những chậu mai đẹp, từ trước Tết Nguyên đán 2 tháng, các hộ đã phải rục rịch đánh cây vào chậu, chăm sóc rất kỳ công... mới vừa ý khách hàng. Tết này, ngoài các chậu mai truyền thống, người trồng hoa ở Tản Lĩnh “sáng tạo” sử dụng thêm nhiều mẫu chậu cầu kỳ hơn với chất liệu: Gốm tráng men, gốm nung màu cổ… nhằm tôn thêm vẻ đẹp của cây mai. “Vẫn cây mai trắng đó, nhưng nhờ chăm sóc, tỉa cành và dùng chậu khác sẽ có dáng vẻ mới. Năm nay, các mẫu chậu cổ, họa tiết hoa văn độc đáo... rất hút khách” - chị Nguyễn Thị Nga (một hộ dân trồng mai quy mô lớn trong thôn An Hòa) bật mí.
Với lớp trẻ trót “mê mai trắng” như anh Đỗ Quang Tuấn (thôn An Hòa) thì đúc kết: “Trồng mai thu tiền tỷ đấy, nhưng kèm với nó là bao công sức, nhọc nhằn và đặc biệt cần kiên trì. Để một cây mai có thể lên chậu, bán ra thị trường, ít nhất phải có 3 năm ươm trồng trên đất; những gia đình trường vốn có thể ươm trồng tới 7 năm mới cho lên chậu để bán. Cây mai không dễ thu lợi “ngắn hạn” như các loài hoa khác, nhưng chắc chắn, cây “không phụ công người”, nếu cần mẫn, chịu khó học hỏi, dày công chăm sóc. Sau vài năm, thu tiền tỷ từ mai trắng không hề khó...”.
Chả thế, người trồng hoa ở Tản Lĩnh chưa bao giờ “trách” cây mai, thậm chí, còn coi mai là “của để dành”. “Khách đến làng hoa mai An Hòa, thấy mai nở trắng tinh khôi trong vườn nhà, ngoài ruộng, ven lối đi... thì nên hiểu, đó không phải là những cây mai chờ bán mà đang được nuôi dưỡng trên đất An Hòa thêm vài ba năm nữa... như cô gái khuê các đang trau dồi “công, dung, ngôn, hạnh” đợi ý trung nhân” - Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Nguyễn Thị Mai Yến ví von đầy tự hào.
Với Hà Nội, quen với đào Nhật Tân hay những vùng đào mới ven đô, khi chiêm ngưỡng bông mai trắng Tản Lĩnh, nhiều người đã bị mê hoặc bởi sự thuần khiết, tinh khôi của loài hoa này. Bởi vậy, làng mai trắng dưới chân núi Tản luôn khẳng định vị trí số 1 về hoa mai đất Bắc mỗi khi xuân về. Người làng hoa còn bảo, tuy mai “kỹ tính” nhưng chưa năm nào làng hoa mất Tết, hoa luôn nở đúng vụ và cứ 30 Tết là bán hết, không bao giờ bị ế... Như tri ân đất trời núi Tản, mỗi độ xuân tới, từ tinh túy nhất trong thân cây lại bật ra những bông hoa khoe sắc sau những vất vả, lo toan, chăm chút của người làng hoa...
Để vùng hoa quý không mai một, giữ được danh thơm “thủ phủ” nhất chi mai, bên cạnh sự nỗ lực của nông dân, chính quyền địa phương, các hội đoàn thể ở Tản Lĩnh đều có các chương trình hỗ trợ. Hàng chục tỷ đồng từ các nguồn vốn như: Quỹ hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội… đã, đang và tiếp tục đồng hành với người trồng hoa. Nhận rõ ưu việt của cây hoa mai trắng, tới đây, xã Tản Lĩnh và các đơn vị liên quan sẽ hỗ trợ bà con chuyển đổi cây trồng, từ đất lúa canh tác khó khăn sang trồng mai tập trung; đồng thời xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý... để nhất chi mai được trân trọng hơn, đạt giá trị tương xứng. Qua đó, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng núi Tản từ cây hoa mai. Rồi đây, cứ mỗi mùa xuân về, chắc chắn nơi này lại được thắp sáng bởi vô vàn bông mai tinh khiết nở trắng tinh khôi giữa miền non thiêng Ba Vì.