Triển khai công tác Lao động - Người có công và Xã hội năm 2019
Chính trị - Ngày đăng : 09:18, 18/01/2019
Dự hội nghị tại điểm cầu trung ương có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng đại diện các bộ, ban, ngành chức năng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. |
Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cùng đông đảo cán bộ ngành LĐ-TB&XH.
Năm 2019, ngành LĐ-TB&XH từ trung ương đến các địa phương sẽ hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 100.000 lao động thông qua dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tư vấn, hỗ trợ việc làm cho khoảng 2 triệu lượt người. Phấn đấu đến cuối năm, cả nước có 60-62% lao động qua đào tạo, trong đó có 24-25% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; đưa hơn 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài.
Ngành cũng đặt mục tiêu đưa tỷ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 1 đến 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%, cơ bản không để hộ gia đình chính sách rơi vào cảnh nghèo.
Để hoàn thành mục tiêu chung, ngành LĐ-TB&XH Hà Nội đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 205.000 lượt người; giải quyết việc làm cho 154.000 lao động; giảm 0,3% hộ nghèo; bảo đảm 100% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cư dân nơi cư trú; tiếp tục đưa công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội đi vào chiều sâu...
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, TP Hà Nội sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động và giảm nghèo bền vững thông qua 7 nhóm giải pháp trọng tâm, xuyên suốt. Nổi bật là giải pháp nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm để kết nối cung - cầu lao động; đổi mới hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo hướng gắn kết với thị trường lao động, việc làm bền vững. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, chú trọng giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc, miền núi.
Đánh giá cao các giải pháp thành phố Hà Nội đã và đang triển khai, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị các ngành chức năng của thành phố tập trung các nguồn lực, đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; mở rộng đối tượng tham gia và mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương những thành tích đạt được, đồng thời chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc và yêu cầu ngành LĐ-TB&XH tập trung tháo gỡ. Đó là việc làm thế nào để giảm nghèo bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng năng suất lao động, tăng thu nhập bình quân đầu người; giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp; giảm tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em…
Để giải quyết những vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH thực hiện tốt tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo trong tất cả các lĩnh vực thuộc Bộ; tập trung, ưu tiên các nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho người lao động. Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải hướng tới những thị trường chất lượng cao. Đặc biệt, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp ủy, chính quyền và cộng đồng xã hội. Trong quý I năm nay, các tỉnh, thành phố chưa xây dựng phải hoàn thành ngay việc xây dựng mạng lưới dịch vụ hỗ trợ trẻ em.
Trước mắt, toàn ngành cần thực hiện tốt việc thăm hỏi, tặng quà Tết Nguyên đán cho các đối tượng chính sách, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết, không để người nào bị bỏ lại phía sau.