Vững vai trò xương sống của nền kinh tế
Tài chính - Ngày đăng : 07:10, 19/01/2019
Đạt được kết quả này là nhờ kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng tăng trưởng khá tốt, vượt xa so với năm 2017. Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). |
Tổng lợi nhuận ước tăng 40%
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tổng lợi nhuận sau thuế của các định chế tài chính trong năm 2018 tăng 33% so với năm 2017, trong đó riêng tổng lợi nhuận của các tổ chức tín dụng ước tăng 40%. Trong số những ngân hàng thương mại nhà nước đã công bố kết quả kinh doanh có Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Theo đó, dư nợ bình quân của ngân hàng này tăng 17,6% với cơ cấu dư nợ chuyển dịch rất tích cực, dư nợ cho vay tăng 9,3%, tiền gửi từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 10,6%. Ngân hàng đã điều chỉnh chính sách lãi suất linh hoạt để có thể cạnh tranh với các ngân hàng thương mại khác...
Trong khi đó, theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), năm 2018, ngân hàng đã đạt lợi nhuận trước thuế hơn 18.000 tỷ đồng. Năm 2019, ngân hàng này đặt mục tiêu sẽ tăng tổng tài sản thêm 12%, huy động vốn tăng 13%, tín dụng tăng 15%, nợ xấu dưới 1% và lợi nhuận tăng 12% (tức trên 20.000 tỷ đồng).
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm từ cuối tháng 11-2018. Tính đến nay, BIDV đạt tổng tài sản hơn 1.250.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 13,5%, nợ xấu kiểm soát thấp dưới 1,6%, lợi nhuận tăng trưởng 18%...
Nằm trong nhóm có quy mô nhỏ hơn, song kết quả kinh doanh của các Ngân hàng TMCP như Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Tiên Phong (TP Bank)... đều đạt mức cao. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của TP Bank đạt 2.258 tỷ đồng, tăng gần gấp hai lần so với năm 2017, vượt mục tiêu kế hoạch đại hội đồng cổ đông đã đề ra từ đầu năm là 2.200 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của TP Bank đạt hơn 136.000 tỷ đồng, tăng hơn 12.000 tỷ đồng. Sacombank có lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 2.200 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch cổ đông thông qua. Tổng tài sản đạt 407.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2017, chất lượng tài sản cải thiện với tỷ trọng tài sản có sinh lời tăng 5%...
Những ngân hàng mới được Ngân hàng Nhà nước “nới” chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng như Ngân hàng TCMP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank), Kỹ thương (Techcombank)... mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh, nhưng được dự báo cũng đạt mức tăng trưởng cao.
Doanh nghiệp và người dân hưởng lợi
Được hưởng lợi từ chính sách lãi suất cũng như ngoại tệ khá ổn định trong năm 2018, hầu hết các doanh nghiệp đều hài lòng khi tiếp cận ngân hàng. Ông Nguyễn Bá Lộc, thành viên Hội đồng quản trị của Công ty TNHH Hệ thống Điện công nghiệp cho biết, năm qua công ty đã nhiều lần phải “gõ cửa” ngân hàng để vay vốn. Với mức lãi suất 9-10%/năm, công ty đã không gặp nhiều áp lực. Ngoài ra, chính sách điều hành ngoại tệ ổn định, với việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra những dự báo sớm về khả năng tăng, giảm ngoại tệ, đặc biệt đối với đồng USD đã giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị cho những biến động...
Người dân khi vay vốn cũng hài lòng với lãi suất ngân hàng. Chị Bùi Thị Bình, số nhà 1 ngõ 79 Khâm Thiên, Hà Nội cho biết, vì gia đình cần nguồn vốn để mở rộng cửa hàng, nên chị đã vay vốn ngân hàng. Với mức lãi suất hơn 10%/năm và được duy trì ổn định trong năm 2018, gia đình không gặp khó khăn trong việc chi trả lãi suất, đồng thời thuận lợi trong kinh doanh.
Ngay từ đầu tháng 1-2019, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, các ngân hàng lớn đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay với 5 đối tượng ưu tiên, gồm cả cho vay trung hạn, ngắn hạn và dài hạn. Vietcombank cũng giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm với các khoản vay ngắn hạn cho các lĩnh vực ưu tiên. Như vậy, các khoản vay ngắn hạn sẽ có lãi suất tối đa 6%/năm. Việc giảm lãi suất sẽ áp dụng cho các khoản vay đang còn dư nợ và khoản vay mới từ năm 2019. VietinBank cũng áp dụng mức giảm tương tự đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Về chính sách điều hành trong năm 2019, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và đánh giá kinh tế vĩ mô, tiền tệ, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế; điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra; điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Cùng với đó là thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh...