Tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp - một biểu hiện suy thoái nghiêm trọng
Xây & Chống - Ngày đăng : 11:12, 19/01/2019
Đúng như nhìn nhận của Ban Chấp hành Trung ương, điểm đáng lưu ý trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta những năm gần đây là sự xuất hiện của các tà đạo, những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng chứa đựng những yếu tố mê tín, phản văn hóa, phi nhân tính, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đáng tiếc là đã có những CB, ĐV chẳng những không tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn mà còn tham gia vào các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp này.
Tà đạo phát sinh ở nhiều nơi
Tà đạo ở đây được hiểu là những đạo lạ, đạo không chính tông, hoạt động trái pháp luật. Những địa bàn tà đạo thường xuất hiện và lan truyền nhanh là vùng núi, nông thôn, vùng sâu xa, nhất là địa bàn Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ. Dư luận hẳn chưa quên thứ tà đạo mang tên "Hệ phục hưng" xuất hiện trên địa bàn huyện Cư Kuin (Đắc Lắc). Để lừa bịp những người dân thiếu hiểu biết, những kẻ cầm đầu tà đạo này tung tin, thường xuyên gặp Đức Chúa trời và được Đức Chúa trời ban cho nhiệm vụ cứu xét những con tin sau khi chết được lên thiên đàng... Ai muốn được xét ban cho đặc ân trên thì đi theo "Hệ phục hưng".
Hay trên địa bàn huyện Đắc Min (Đắc Nông) xuất hiện tà đạo "Canh tân đặc sủng". Để lừa bịp người dân, kẻ cầm đầu tà đạo này tuyên truyền rằng, những ai theo "Canh tân đặc sủng" khi đau ốm, bệnh tật, không cần đến bệnh viện chữa trị, chỉ cần đến gặp những kẻ cầm đầu đạo này xoa “nước thánh” lên đầu làm "phép", cầu nguyện là sẽ khỏi.
Từ Đà Lạt (Lâm Đồng), tà đạo mang tên “Thanh Hải vô thượng sư” đã lan truyền xuống nhiều nơi thuộc vùng Tây Nam Bộ. Cầm đầu tà đạo này là một phụ nữ có chồng, có con nhưng vẫn tự xưng là thượng sư, minh sư. Chiêu thức lừa bịp của “Thanh Hải vô thượng sư” là lợi dụng Phật giáo cải biến vài nội dung tư tưởng, quan điểm rồi tuyên truyền…
Trên địa bàn các tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ trước đây cũng xuất hiện khá nhiều tà đạo, trong đó có đạo “Long Hoa di lặc”. Những kẻ cầm đầu đạo “Long Hoa di lặc” thường dọa: “Ai theo đạo này thì phúc đẳng hà sa, ai không theo sẽ bị chết dịch”. Đạo “Hoa vàng” thì dùng thuyết “Tứ diệu đế”, sinh tử luân hồi, thuyết nhân quả nghiệp báo. Đạo này làm ảnh hưởng rất lớn đến nếp sống văn hóa, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam, gây đau khổ cho không ít gia đình. Trong những tà đạo xuất hiện trên địa bàn Tây Bắc, đáng chú ý là đạo “Vàng Chứ” ở những vùng có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Gần đây nhất là sự xuất hiện và lan truyền của "Hội thánh Đức chúa trời mẹ" tại nhiều địa phương.
Hoạt động tôn giáo được pháp luật bảo hộ
Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định, tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH). Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ; được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xuất bản kinh sách, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Việc theo đạo và truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan; không được khống chế, ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái pháp luật.
Các đối tượng của Hội thánh Đức chúa trời truyền đạo trái phép. Ảnh: TTXVN |
Truyền bá tà đạo như đã nói trên là hoạt động vi phạm pháp luật Nhà nước và quy định của các địa phương. Nguyên nhân cơ bản phát sinh, phát triển các tà đạo là sự lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của một số người hòng trục lợi về kinh tế, gây thanh thế cá nhân; các thế lực thù địch lợi dụng việc truyền đạo, phát triển tôn giáo để gây mất ổn định về an ninh chính trị nhằm mục tiêu chống phá CNXH ở nước ta.
Sự xuất hiện của tà đạo tác động tiêu cực lên mọi mặt của đời sống xã hội, gây bức xúc trong cộng đồng, gây khó khăn trong công tác quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội; làm thay đổi, xáo trộn về nếp sống, tập quán truyền thống; xâm phạm về tài sản, tiền bạc, vật chất, thời gian lao động, thậm chí xâm phạm cả nhân phẩm của con người; chia rẽ mối đoàn kết trong dân cư, đoàn kết giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
Hầu hết các tà đạo đều mang nặng yếu tố mê tín dị đoan làm mê hoặc con người, truyền bá đức tin nhảm nhí khiến tâm lý xã hội nghiêng về hữu thần, lấn át chủ nghĩa vô thần khoa học. Đặc biệt, tà đạo tạo ra cơ hội để các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tư tưởng ly khai nhằm chống phá Việt Nam.
Đảng viên nói không với tà đạo
Để ngăn chặn việc truyền bá tà đạo, có nhiều việc phải làm, nhưng trước tiên cần phải nhận thức rõ rằng những CB, ĐV ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp đã bị xử lý kỷ luật thời gian qua cho thấy sự suy thoái nghiêm trọng về nhận thức, tư tưởng. Hành động ấy không chỉ gây hậu quả đối với bản thân CB, ĐV mà còn tác động tiêu cực đến quần chúng nhân dân. Do đó, để đấu tranh với tà đạo, cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò tiên phong gương mẫu của CB, ĐV.
Cùng với phát huy vai trò của mỗi tổ chức đảng trong công tác quản lý và giáo dục, bản thân từng đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, kiên quyết nói không với các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Đối với những đảng viên vi phạm, cần phải xử lý nghiêm minh theo các hình thức kỷ luật đảng viên vi phạm về tín ngưỡng, tôn giáo được quy định cụ thể tại Điều 34, Quy định số 102-QĐ/TƯ ngày 15-11-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Đi kèm với đó là tăng cường phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng ở cơ sở. Thực tế thời gian qua, phần lớn các tà đạo xâm nhập vào địa bàn tổ chức tuyên truyền hoạt động một thời gian khá dài, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng mới phát hiện ra và có biện pháp xử lý. Nâng cao hiệu quả quản lý xã hội không đơn giản chỉ là làm tốt công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, khai báo tạm trú, tạm vắng mà phải đi vào chiều sâu quản lý các sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, hướng các hoạt động tín ngưỡng theo thuần phong mỹ tục của dân tộc và phù hợp với luật pháp. Đối với những đối tượng chủ mưu, đứng đầu các tà đạo, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng phải kịp thời có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để theo pháp luật.
CB, ĐV phải thường xuyên quan tâm chăm lo lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa. Các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội cần tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động để tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân, giáo dục truyền thống yêu nước, tích cực tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội, tránh xa những cám dỗ không lành mạnh. Các ngành chức năng, các đoàn thể cần phối hợp giúp đỡ các tôn giáo chính tông hoạt động theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức cho người dân. Để công việc này tiến hành được thiết thực, hiệu quả không thể bỏ qua vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và từng CB, ĐV. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, giải thích, hướng dẫn của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và đoàn thể chính trị - xã hội cho người dân không chỉ tăng cường về cường độ, liều lượng mà phải đổi mới cả nội dung và hình thức. Khi nào quần chúng nhân dân hiểu rõ đâu là chính đạo, đâu là tà đạo thì việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo của họ chắc chắn sẽ theo đúng pháp luật.