Nguy cơ rác thải đe dọa Đông Nam Á
Công nghệ - Ngày đăng : 07:38, 20/01/2019
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), mỗi năm có tới 270 triệu tấn rác được xử lý trên thế giới. Kể từ khi có quy định sàng lọc rác vào những năm 1980, việc xử lý rác một phần chuyển thành "rao bán" rác do số lượng thải ra ngày càng lớn, nhưng quỹ đất chôn lấp lại hạn chế, các lò đốt không đủ công suất để xử lý lượng rác thải khổng lồ, trong khi việc chôn lấp hay đổ rác ra biển gây hậu quả khó lường với môi trường. Nhập khẩu rác cũng là ngành kinh doanh trị giá tới 175 tỷ euro trên toàn cầu.
Trước đây Trung Quốc từng là trung tâm xử lý rác thải quốc tế, song từ năm 2018, Bắc Kinh tuyên bố không còn là “thùng rác” của các nền kinh tế phát triển do phần lớn các loại phế liệu, rác thải ồ ạt nhập về tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đe dọa tới hệ sinh thái và môi trường.
Từ chỗ thu mua tới 60% lượng rác thải nhựa của một số nước thuộc Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng rác nhập khẩu vào Trung Quốc 1 năm sau chỉ còn khoảng 10%.
Thay vào đó, lượng rác thải chuyển vào các nước Đông Nam Á lại tăng vọt. Trong vòng vài tháng, Malaysia trở thành quốc gia nhập rác thải nhựa hàng đầu với khối lượng lớn gấp đôi Trung Quốc. Lượng rác thải nhựa ở Indonesia tăng 56% chỉ trong 1 năm, còn con số lớn nhất thuộc về Thái Lan với mức tăng 1.370%.
Một số quốc gia Đông Nam Á đã có những động thái đầu tiên giảm thiểu tác động từ nguy cơ đang cận kề. Cụ thể, từ tháng 9-2018, Malaysia bắt đầu nói không với các loại rác thải nhựa nhập khẩu từ nước ngoài và có quy định chặt chẽ hơn về việc cấp giấy phép nhập khẩu rác thải.
Quốc gia láng giềng Indonesia cũng đặt mục tiêu giảm 70% lượng rác thải xuống đại dương vào năm 2025, đồng thời kêu gọi người dân tăng cường tái chế rác thải.
Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan cũng tiến tới cấm nhập khẩu rác thải nhựa nước ngoài vào năm 2021, xuất phát từ nhiều nghiên cứu cảnh báo về hoạt động nhập khẩu ồ ạt hủy hoại môi trường và sức khỏe người dân. Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn được coi là phản ứng chậm chạp và chưa mang lại tác động rõ rệt, nhất là khi rác thải của các nước công nghiệp phát triển vẫn đang dồn về Đông Nam Á.
Các nhà hoạt động môi trường cho rằng, thay vì “quét rác sang nhà người khác” hay vận chuyển rác thải từ nơi này sang nơi khác, điều cần làm để hướng tới một giải pháp bền vững hơn là giảm “nguồn cung” rác thải, đồng nghĩa với việc tăng cường tái chế, tìm kiếm các biện pháp xử lý, phân loại rác hiệu quả và thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các loại vật liệu khó tái chế, phân hủy, đồng thời chia sẻ trách nhiệm giữa các quốc gia trên toàn thế giới.