Bổ sung tuyến xe khách liên tỉnh vào các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm
Giao thông - Ngày đăng : 14:45, 14/12/2022
Đồng thời, UBND thành phố giao Sở Giao thông Vận tải chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đúng quy định, bảo đảm phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và khả năng tiếp nhận của bến xe, không gây ùn tắc khu vực xung quanh bến xe; báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế hoạt động của các bến xe trên địa bàn thành phố, đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có báo cáo công tác điều chỉnh, bổ sung luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô theo tuyến cố định trên địa bàn thành phố.
Cụ thể: Bến xe Mỹ Đình có diện tích 3,27ha, công suất 1.820 chuyến/ngày, các đơn vị vận tải đăng ký khai thác 1.182 chuyến/ngày, khả năng tiếp nhận còn khoảng 638 chuyến/ngày. Do tình hình dịch Covid-19, nhu cầu đi lại của người dân ít, tình trạng xe limousine hoạt động tương tự như xe tuyến cố định diễn biến ngày càng phức tạp. Sản lượng khách tại các bến xe sụt giảm, các đơn vị vận tải hoạt động thực tế tại bến còn khoảng 650 chuyến/ngày (đạt 35,7% công suất của bến).
Hiện tại, Bến xe Mỹ Đình đang tiếp nhận 3 hướng tuyến (hướng cầu Thăng Long, hướng quốc lộ 32, hướng đường Đại lộ Thăng Long) kết nối với 16 tỉnh, thành phố phía Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc. Từ tháng 10-2020, tuyến đường Vành đai 3 trên cao được hoàn thành đưa vào sử dụng, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị liên quan phân luồng, tổ chức giao thông và thông báo các xe khách từ hướng cầu Thăng Long về Bến xe Mỹ Đình phải hoạt động trên đường trên cao, tình hình giao thông dọc tuyến đường (từ nút giao cầu vượt Mai Dịch đến cầu Thăng Long) thông thoáng, tình trạng vi phạm của xe tuyến cố định đã giảm nhiều. Do vậy, việc xem xét bổ sung chuyến xe theo hướng cầu Thăng Long vào Bến xe Mỹ Đình vừa bảo đảm quy định về hướng tuyến, đáp ứng khả năng tiếp nhận là phù hợp và cần thiết.
Về việc bổ sung định hướng các tuyến vận tải hướng từ cầu Thanh Trì vào các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, qua khảo sát, Bến xe Giáp Bát đang tiếp nhận 2 hướng tuyến kết nối với 20 tỉnh, thành phố, có 39.426 chuyến/tháng (1.314 chuyến/ngày). công suất bến xe được công bố là 1.517 chuyến/ngày.
Bến xe Nước Ngầm đang tiếp nhận 2 hướng tuyến kết nối với 28 tỉnh, thành phố, có 29.408 chuyến/tháng (980 chuyến/ngày); công suất bến xe được công bố là 1.007 chuyến/ngày.
Như hiện trạng nêu trên, các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ Bến xe Giáp Bát và Bến xe Nước Ngầm có hướng qua cầu Thanh Trì đi các tỉnh phía Đông, Đông Bắc đã và đang hoạt động từ trước đây, tuy nhiên các hướng tuyến này chưa có trong Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT ngày 26-6-2015 của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (nay được thay thế bởi Quyết định số 927/QĐ-BGTVT ngày 15-7-2022 của Bộ Giao thông Vận tải). Các tuyến này hoạt động phù hợp với tổ chức giao thông và hạ tầng các bến xe hiện có...
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Việt Long kiến nghị, trên cơ sở thống nhất liên ngành, Sở Giao thông Vận tải đề xuất UBND thành phố cho phép Sở phối hợp với sở giao thông vận tải các tỉnh, thành là đầu đối mối nghiên cứu bổ sung phương tiện hoạt động trên các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh theo hướng cầu Thăng Long đi theo đường Vành đai 3 trên cao vào Bến xe Mỹ Đình, bảo đảm đúng hướng tuyến, phù hợp với nhu cầu đi lại của nhân dân, đáp ứng khả năng tiếp nhận của bến xe.
Trước mắt, sẽ bổ sung đối với các tuyến đi các huyện, các vùng sâu, vùng xa, tuyến không trùng lặp với các tuyến đã có đi trung tâm các thành phố; báo cáo Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 927/QĐ-BGTVT ngày 15-7-2022 cho phù hợp với thực tế đang hoạt động, cụ thể là bổ sung các tuyến vận tải hướng từ cầu Thanh Trì vào các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm.