Bước tiến mới cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
Thế giới - Ngày đăng : 06:40, 21/01/2019
Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở thủ đô Washington (Mỹ). |
Thông tin trên được đưa ra sau cuộc gặp kéo dài 90 phút giữa Tổng thống D.Trump và Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại phòng Bầu dục. Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới thủ đô Washington (Mỹ), đại diện Triều Tiên - ông Kim Yong-chol, người được xem là cánh tay phải của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đã có các cuộc gặp được đánh giá là “hữu ích” với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Đặc phái viên Mỹ về các vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun.
Đây là cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên giữa hai bên ở cấp độ làm việc, sau khi kế hoạch gặp gỡ giữa người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ và Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 11-2018 bị hủy vào phút chót.
Đã 7 tháng trôi qua kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên được tổ chức tại Singapore, song những hành động cụ thể được thực hiện dường như còn quá ít so với trông đợi. Triều Tiên vẫn kỳ vọng vào những đề xuất từ phía Mỹ như mở cửa văn phòng liên lạc, tuyên bố chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên hay nới lỏng các lệnh trừng phạt dù chưa đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Trong khi đó, Washington khó lòng có động thái nhượng bộ trước vì có khả năng làm dấy lên dư luận phản đối trong nội bộ nước này. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nhấn mạnh, Chính phủ Mỹ vẫn giữ quan điểm cần duy trì các biện pháp trừng phạt và gây sức ép tới khi đạt được mục tiêu cuối cùng.
Hướng tới cuộc gặp cấp cao nhất giữa Mỹ và Triều Tiên, nhóm tư vấn chính trị Eurasia Group cho rằng, hai nhà lãnh đạo cần thể hiện sự linh hoạt cùng sự nhượng bộ đủ để lôi kéo đối phương tham gia và tạo sự ràng buộc.
Cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai dù khó lòng dẫn đến mục tiêu phi hạt nhân hóa ngay lập tức, nhưng lại mang ý nghĩa biểu tượng và củng cố quan điểm rằng các bên có thể giải quyết bất đồng bằng đối thoại. Ngoài vấn đề hạt nhân, điều này còn mang lại triển vọng cho hợp tác song phương khi Tổng thống D.Trump từng nhận định Triều Tiên sở hữu những tiềm năng kinh tế to lớn.
Ngay sau chuyến công tác của đại diện Triều Tiên Kim Yong-chol, các quan chức Mỹ và Triều Tiên đã tới Thụy Điển, bắt đầu cuộc đàm phán cấp chuyên viên vào ngày 20-1 nhằm gấp rút chuẩn bị cho cuộc gặp giữa lãnh đạo hai bên. Trước thông tin về hội nghị dự kiến diễn ra vào tháng 2 tới, Phát ngôn viên Nhà Xanh Kim Eui-keum cho biết, Hàn Quốc hoan nghênh nỗ lực của các bên và sẵn sàng hỗ trợ để sự kiện này trở thành một bước ngoặt cho nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya hy vọng, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ đạt được kết quả thực chất và cho biết Tokyo vẫn giữ vững lập trường về duy trì sức ép đối với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Trung Quốc cũng khẳng định ủng hộ các bên duy trì và nỗ lực thúc đẩy các cam kết hòa bình.
Hơn một năm trước, tình hình trên bán đảo Triều Tiên nhiều lần được coi là "kề bên miệng hố" chiến tranh khi các vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp được thực hiện. Do đó, việc nỗ lực tổ chức cuộc gặp lần thứ hai giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên là kết quả rất đáng hoan nghênh, hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.