Huawei trong “cuộc đọ sức” Mỹ - Trung

Thế giới - Ngày đăng : 06:59, 22/01/2019

(HNM) - Không chỉ khoét sâu bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực thương mại, những vụ việc liên quan tới tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc thời gian gần đây còn có nguy cơ trở thành cuộc khủng hoảng lan rộng...

Những căng thẳng liên quan tới Tập đoàn Huawei có nguy cơ leo thang.


Theo một thông báo của Văn phòng Đối ngoại Đức, chính phủ nước này đang xem xét các biện pháp nhằm loại Huawei khỏi danh sách các nhà cung cấp mạng 5G tại nước này. Đây được coi là một động thái khá bất ngờ của Đức, quốc gia trước đây vốn ít tỏ ra lo ngại về các vấn đề an ninh liên quan đến Huawei so với các đồng minh phương Tây như Mỹ và Anh.

Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, sẽ theo đuổi vụ kiện hình sự chống lại “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc với cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại. Sự việc được cho là xuất phát từ một vụ án dân sự được đệ trình lên Tòa án quận Seattle vào năm 2014. Trong đó, nhà khai thác mạng không dây T-Mobile của Mỹ cho biết, Huawei đã đánh cắp công nghệ độc quyền của họ sau khi lạm dụng mối quan hệ với tư cách là nhà cung cấp điện thoại cho T-Mobile để có quyền truy cập vào robot của hãng. Điều đó vi phạm một số thỏa thuận bảo mật khi Huawei sao chép các thông số kỹ thuật của robot và lấy cắp bộ phận, phần mềm và các bí mật thương mại khác của T-Mobile.

Đây là những bước đi mới nhất mà Mỹ và các nước đồng minh đưa ra sau khi tập đoàn viễn thông Trung Quốc liên tục phải hứng chịu những quyết định bất lợi từ nhiều quốc gia khác trong vòng 2 tháng qua. Căng thẳng nhất là việc Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ với nhiều cáo buộc, trong đó có gian lận nhằm né tránh các lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran.

Để đáp trả, Trung Quốc đã bắt giữ 3 công dân của Canada. Cho tới nay, vẫn chưa có giải pháp nào được các nước đưa ra để hạ nhiệt căng thẳng xung quanh vấn đề này. Chính phủ Canada đang nỗ lực vận động đồng minh tăng sức ép lên Trung Quốc, đòi trả tự do cho các công dân bị bắt giữ. Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland dự kiến sẽ đề cập đến vấn đề này khi tham dự WEF tại Davos.

Thực tế, Huawei đã nằm dưới sự theo dõi của giới chức Mỹ từ hơn 10 năm trước. Không chỉ lấy lý do an ninh quốc gia để "đóng cửa" thị trường với Huawei, quốc gia này còn khuyến cáo các nước phương Tây tẩy chay chuỗi sản phẩm gắn mác hãng công nghệ Trung Quốc này. Đây được cho là một "thế trận" mà Washington dự tính kéo các đồng minh tham gia với mục tiêu là hướng tới cô lập Bắc Kinh, ít nhất là về kinh tế. Trên thực tế, lần lượt các đối tác của Mỹ như Australia, New Zealand, Anh, Nhật Bản, Ba Lan, Đức đã tham gia “cuộc đấu” này.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton từng tuyên bố, cần có chiến lược ngăn cản tham vọng của Huawei trong lĩnh vực 5G nói riêng và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc nói chung. Tập đoàn này được xem là một mắt xích chủ chốt trong kế hoạch "Made in China 2025" với mục tiêu biến Trung Quốc thành một siêu cường công nghệ. Theo đó, Huawei hưởng lợi từ các hợp đồng lớn của nhà nước Trung Quốc, được Chính phủ Trung Quốc ủng hộ và tài trợ trực tiếp để giúp Bắc Kinh hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật số kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu nhằm phục vụ sáng kiến "Vành đai và con đường".

Dù diễn biến vụ việc có theo chiều hướng nào thì đó cũng tín hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang bước vào một cuộc tranh giành ảnh hưởng ngày càng quyết liệt. Vòng đàm phán kéo dài 90 ngày, tính từ ngày 7-1, để hai bên tháo gỡ bế tắc theo thỏa thuận đình chiến thương mại đang trở nên mong manh hơn.

Quỳnh Dương