Vì quyền lợi người tiêu dùng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:36, 23/01/2019
Gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái là đề tài chưa bao giờ hết nóng và là nỗi ám ảnh của người tiêu dùng. Dù đã rõ tính chu kỳ và năm nào cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, xử lý, nhưng vi phạm vẫn gia tăng. Thực tế đáng báo động này kéo dài là bởi hàng giả, hàng nhái... mang lại lợi nhuận rất lớn cho người làm ăn phi pháp, nhưng số tiền phạt lại quá nhỏ so với hậu quả lớn và lâu dài gây ra cho xã hội. Trong khi đó, nhiều cá nhân, tổ chức bàng quan, không ít cán bộ ngành chức năng và chính quyền cấp cơ sở còn đùn đẩy, né tránh, thậm chí làm ngơ cho vi phạm tồn tại… Chưa kể, một lượng lớn hàng hóa giao dịch trên mạng internet với mác “xách tay” cũng chưa được kiểm soát đến nơi đến chốn.
Vì quyền lợi người tiêu dùng, vì nền văn minh thương mại, yêu cầu về một thị trường hàng hóa “sạch”, rõ nguồn gốc là đòi hỏi chính đáng và cấp thiết.
Để làm được điều này, yếu tố quan trọng, mang tính quyết định là con người, mà quan trọng nhất là các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý thị trường. Trước đòi hỏi thực tế, từ ngày 12-10-2018, Cục Quản lý thị trường được nâng cấp thành Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), là hệ thống ngành dọc, từ trung ương đến địa phương, nhằm xóa bỏ tình trạng cát cứ trước đây và sẽ được tổ chức thành lực lượng chính quy, chuyên nghiệp hơn... Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu mới này, mỗi cán bộ quản lý thị trường cần nâng cao trách nhiệm công vụ, chịu trách nhiệm đến cùng khi trên địa bàn phụ trách xảy ra nạn buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái...
Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này phải được hoàn thiện hơn nhằm bịt mọi kẽ hở, không để các đối tượng lợi dụng tuồn hàng vào thị trường. Thực tế, pháp luật có quy định về chế tài buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp, song khoản tiền này rất khó xác định vì không biết hành vi vi phạm diễn ra từ thời điểm nào. Vì thế, cần tăng nặng chế tài xử phạt, lập chuyên án điều tra triệt phá đường dây, truy tố đối tượng cầm đầu mới là giải pháp xử lý tận gốc vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại.
Đồng thời, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn nắm chắc danh sách các cơ sở kinh doanh, buôn bán, sản xuất hàng hóa trên địa bàn, có cơ chế để động viên, khuyến khích người dân trở thành cánh tay nối dài của cơ quan chức năng trong ngăn chặn, phát hiện các cơ sở làm ăn gian dối.
Song, để chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, chỉ cơ quan quản lý nhà nước chưa đủ, mà phải có sự phối hợp của người dân và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ăn chân chính. Các chủ thương hiệu phải tích cực bảo vệ uy tín hàng hóa của mình, không thỏa hiệp hay "mũ ni che tai" với vi phạm. Một điều không kém phần quan trọng nữa là người tiêu dùng cần sử dụng quyền lực của mình, tẩy chay, tuyệt đối không mua hàng không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không ghi hạn sử dụng và nơi sản xuất... để bảo vệ chính mình, góp phần tạo sự cạnh tranh, công bằng trên thị trường.
Trong những ngày này, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đang hối hả thực hiện nhiệm vụ nhằm giữ "sạch" thị trường. Song, muốn xóa được mối lo khi Tết đến, xuân về, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phải trở thành việc làm đồng bộ, thường xuyên của cơ quan chức năng. Khi thị trường được thanh lọc hiệu quả, quyền lợi người tiêu dùng sẽ được bảo vệ.