Sản xuất gắn với thị trường

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:31, 25/01/2019

(HNM) - Câu chuyện


Hạn chế, đồng thời là cản trở dễ thấy nhất hiện nay cho việc liên kết vùng trong phát triển nông nghiệp là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, theo phong trào và thiếu trách nhiệm. Điển hình là tình trạng nông hộ sản xuất tự phát dựa theo "hội chứng đám đông", tín hiệu nhất thời của thị trường. Cũng vì tình trạng này nên doanh nghiệp khó có thể ký hợp đồng liên kết đơn lẻ với hàng chục hộ nông dân với quy mô sản xuất, trình độ canh tác khác nhau.

Đáng nói hơn, có nơi đã hình thành sự liên kết nhưng nhiều nông dân sẵn sàng "phá kèo", chạy theo lợi nhuận trước mắt. Ở chiều ngược lại, không ít doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản với công nghệ lạc hậu, kinh doanh kiểu “ăn đong”, “có gì mua nấy - có gì bán nấy”, không phải là người tổ chức, điều phối chuỗi giá trị ngành hàng. Còn vai trò của hợp tác xã nông nghiệp cũng khá mờ nhạt, vẫn chủ yếu phục vụ sản xuất của các nông hộ với quy mô nhỏ lẻ, ở một vài khâu dịch vụ đầu vào.

Việc liên kết lỏng lẻo cũng khiến năng lực phân tích, dự báo thị trường còn hạn chế. Đặc biệt là chưa có phương án sản xuất lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm cho các sản phẩm được xác định là chủ lực...

Liên kết vùng, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng cho nông sản không còn là vấn đề mới. Nhưng rõ ràng, để nông dân yên tâm sản xuất, doanh nghiệp có hàng hóa chất lượng và ổn định đưa ra thị trường, người tiêu dùng được dùng sản phẩm an toàn, thì việc các địa phương, ngành chức năng “ngồi lại” với nhau xác định trách nhiệm, khắc phục ngay những hạn chế là rất cần thiết và cấp bách.

Cụ thể, các ngành, địa phương cần có nhận thức về tầm quan trọng của liên kết vùng trong phát triển nông nghiệp, bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ. Trong đó, trọng tâm là xác định chiến lược sản phẩm theo vùng kinh tế - sinh thái; xác định thị trường, khách hàng mục tiêu - tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu, ở những mức độ khác nhau cho mỗi loại nông sản. Đồng thời thúc đẩy thực hiện các phương thức liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông, ngân hàng... để giải quyết những vấn đề lớn về tích tụ ruộng đất, nguồn vốn, quy hoạch, sản xuất, chế biến, tiêu thụ... như thế nào cho hiệu quả.

Vấn đề cần lưu ý trong thực hiện liên kết vùng sản xuất là cần tính toán cụ thể hình thức, trong đó có liên kết giữa các chủ thể theo đường đi của sản phẩm (liên kết dọc) và liên kết giữa những chủ thể cùng sản xuất một lĩnh vực (liên kết ngang) để bảo đảm các thành phần tham gia (nhất là nông dân) đều đạt được những lợi ích thiết thực, phù hợp với đặc thù từng địa phương, đơn vị. Muốn vậy, ngoài việc khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào chuỗi sản xuất quy mô lớn, từ nông trại đến bàn ăn, cần ưu tiên công nghiệp chế biến sâu để tạo uy tín và xây dựng thương hiệu, giải quyết tốt vấn đề đầu vào - đầu ra cho nông sản.

Người nông dân cũng nên thay đổi tư duy sản xuất bằng hợp tác, liên kết, tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan chức năng về quy hoạch, quy trình sản xuất an toàn. Các bộ, ngành chức năng, địa phương cần phối hợp nghiên cứu xây dựng quy hoạch vùng để phát huy lợi thế, đặc thù địa phương, bảo đảm cân đối cung - cầu, nâng cao giá trị nông sản.

Việc sản xuất phải gắn với thị trường, mà trọng tâm là mối liên kết chặt chẽ, lâu bền. Muốn vậy, không cách nào khác là xóa ngay tình trạng mạnh ai, nấy làm, "nay trồng, mai chặt", tư duy "ăn xổi ở thì" để phát triển nông nghiệp bền vững.

Chí Kiên