Nhọc nhằn cuộc sống lao động nữ di cư

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:56, 25/01/2019

(HNM) - Với bản tính chịu thương, chịu khó, lao động nữ di cư luôn là một lực lượng lao động lớn tại các đô thị ở Việt Nam, trong đó có Hà Nội.

Tổ lao động nữ di cư ở phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) họp bàn giải quyết khó khăn cho các tổ viên.


Tất cả cho gia đình


Càng gần đến Tết Kỷ Hợi, chị Nguyễn Thị Thúy (53 tuổi, quê ở xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) lại càng bận rộn. Hằng ngày, chị phải dậy từ sớm, ăn sáng qua loa, rồi vội vã đạp xe, rong ruổi qua các phố phường Hà Nội để thu mua phế liệu. Vừa thu mua giấy loại, đồ nhựa cũ, chị vừa hỏi xem chủ nhà có nhu cầu dọn vườn, lau phòng thì nhận làm với giá 50 nghìn đồng/giờ. Nếu gặp được chủ nhà xởi lởi cho nhiều đồ cũ, chị có thể kiếm được 200 nghìn đến 300 nghìn đồng. Thế nhưng, cũng có ngày chị kiếm chưa được 100 nghìn đồng. Chị Thúy chia sẻ: “Biết là vất vả, song tôi cố gắng kiếm tiền lo cái Tết đầy đặn cho chồng con mừng”.

Khác với chị Thúy, chị Lê Thị Hòa (43 tuổi, quê huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) bán bánh mì quanh khu vực phố cổ, phố đi bộ. Buổi tối, chị bán hàng từ 10h đêm đến 2h sáng. Ban ngày, chị Hòa lại tất tả dậy sớm ra chợ Quảng Bá bán bánh mì chay từ 9h đến 10h sáng. Số tiền kiếm được chị tằn tiện để trang trải cuộc sống cá nhân, còn lại gửi về cho chồng con và phấn đấu để mua nhà cho con trai lớn hiện làm đầu bếp ở Hà Nội. Vừa bán hàng cho khách, chị Hòa cho biết: “Tôi phải lo xa cho các con. Sau này thằng nhỏ có học đại học thì ở chung với anh nó, không phải thuê trọ”…

Trong khi đó, chị Trần Thị Chiến (36 tuổi, ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) hiện ở trọ tại khu vực đường Đê La Thành để chăm sóc người ốm đang nằm viện. Làm việc lâu năm, có nhiều kinh nghiệm nên chị Chiến làm không hết việc. Với giá công chăm sóc ngày thường là 400 nghìn đồng/ngày đêm/người bệnh, chị Chiến cũng khá hài lòng với mức thu nhập. Tuy vậy, công việc chăm sóc người bệnh đòi hỏi không chỉ trách nhiệm, kỹ năng mà còn cần cả sức khỏe, kiến thức và sự nhiệt tình. Chị Chiến cho biết: “Chăm sóc người ốm nằm viện 24/24h không hề đơn giản. Mình phải coi khách như người thân của mình thì mới toàn tâm, toàn ý được”. Có lẽ vì vậy mà chị từng được nhiều người tín nhiệm, mời đến nhà chăm sóc cha mẹ già với lương cao...

Theo Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, ước tính, hiện có khoảng 50% người nhập cư ở Hà Nội là phụ nữ. Dời quê đi làm để chăm lo cho gia đình, các chị: Nguyễn Thị Thúy, Lê Thị Hòa, Trần Thị Chiến và hàng vạn lao động nữ di cư chấp nhận làm những công việc nặng nhọc, khó khăn. Dù làm việc gì, các chị cũng nỗ lực vì người thân, đóng góp đáng kể cho xã hội.

Cần được hỗ trợ nhiều hơn

Theo nghiên cứu của Mạng lưới hành động vì lao động di cư (Mnet), năm 2019, Việt Nam sẽ có 5 triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị, chiếm khoảng 5% dân số cả nước. Trong đó, phụ nữ chiếm tỷ lệ khá cao, từ 42% năm 1989 lên 54% năm 2013 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Đáng chú ý, lao động di cư là nữ đang phải làm công việc thiếu ổn định, thu nhập thấp. Tuy nhiên, nhiều chính sách an sinh xã hội chủ yếu quy định theo hộ khẩu thường trú, gây khó khăn cho lao động nữ di cư, khiến họ ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản, nhất là bảo hiểm y tế... Đặc biệt, với những người như chị Trần Thị Chiến thì hiểu rõ rằng, môi trường làm việc độc hại, nguy cơ lây nhiễm bệnh từ những người được chị chăm sóc hằng ngày là dễ xảy ra. Nghề nghiệp và môi trường làm việc của các chị cũng chứa đầy nguy cơ gây thiệt thòi, tổn thương tinh thần và thể chất.

Những khó khăn của lao động nữ di cư đã và đang được các cấp, các ngành quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ. Đơn cử, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ tháng 5-2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thông tin về chính sách giá điện đối với công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà để ở được áp một mức giá điện sinh hoạt của bậc 3 (1.858 đồng/kWh chưa bao gồm VAT) thay cho mức giá chủ nhà thu cao gấp 2 đến 3 lần trước đó.

Giúp lao động nữ di cư từng bước ổn định cuộc sống, các địa phương, trong đó có TP Hà Nội đã tạo điều kiện cho chị em được thuê nhà trọ với giá rẻ, cùng nhiều hỗ trợ khác… TP Hà Nội còn tạo điều kiện để Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội”. Qua đó, đã cung cấp thông tin, tư vấn về nơi ở, việc làm và cơ hội học tập cho khoảng 2.000 nữ lao động.

Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội cũng có nhiều việc làm hỗ trợ cho nữ lao động di cư. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàn Kiếm Trịnh Thị Huệ cho biết, chỉ riêng hai phường Phúc Tân và Chương Dương đã có gần 3.000 lao động nữ ngoại tỉnh đến thuê trọ… Trong đó, khoảng 30% lao động nữ ở độ tuổi dưới 50 và 70% ở độ tuổi trên 50, làm các nghề: Bán hàng rong (khoảng 70%), thu gom đồng nát, phế liệu (15% đến 20%), giúp việc gia đình (5% đến 10%). Để hỗ trợ chị em, Hội Liên hiệp phụ nữ hai phường đã thành lập 16 nhóm tự lực với 103 lao động nữ tham gia. Tại đây, các chị được tư vấn pháp luật, tiếp cận các chính sách lao động, việc làm… để có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đồng thời chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, nhờ sự giúp đỡ của tổ chức Hội, đã có 62 chị được mua thẻ bảo hiểm y tế.

Tuy vậy, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàn Kiếm cho rằng, vẫn còn nhiều chị em chưa có điều kiện tham gia bảo hiểm y tế, vì họ làm việc theo mùa vụ, chỉ tập trung làm kinh tế mà chưa quan tâm tới sức khỏe. Một số ít do trình độ văn hóa thấp, e ngại tiếp xúc với chính quyền... Thời gian tới, để giúp nữ lao động di cư được tiếp cận nhiều hơn với chính sách an sinh xã hội, theo bà Trịnh Thị Huệ, cần hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, tạo độ bao phủ rộng trong bảo vệ quyền lợi cho lao động di cư. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người lao động về các chính sách an sinh xã hội, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đăng ký mua thẻ bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho người lao động khám, chữa bệnh… Tất cả nhằm giúp nữ lao động di cư có cuộc sống ổn định, yên tâm lao động.

Linh Chi