Liên kết vùng trong phát triển nông nghiệp: Chưa “xuôi chèo, mát mái”!
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:34, 25/01/2019
Tỉnh Sơn La đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm tại thị trường Hà Nội. |
Mạnh ai nấy làm
Thời gian qua, liên tiếp nhiều mặt hàng nông sản như rau, củ, trái cây có giá bán lên, xuống bấp bênh, khiến nông dân lo lắng, không biết sản phẩm làm ra sẽ tiêu thụ ra sao. Minh chứng rõ nhất là vụ trồng quýt năm 2018, do cùng thời điểm thu hoạch với các cây có múi khác nên nhiều địa phương chỉ bán được với giá từ 5.000 đến 8.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 so với năm 2017, song vẫn khó tiêu thụ. Trong khi đó, với một thị trường rộng lớn như Hà Nội, nhu cầu nguồn hàng rất lớn nhưng sự hợp tác giữa các tỉnh với các doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn Thủ đô không phải lúc nào cũng "xuôi chèo, mát mái".
Bà Bùi Thị Hiếu Hạnh, Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh (Hà Nội) chia sẻ: “Doanh nghiệp đang liên kết với 40 hợp tác xã tại 6 tỉnh phía Bắc, mỗi năm cung ứng cho thị trường Hà Nội 24.000 tấn với 40 chủng loại gạo đặc sản như: Séng Cù, Tú Lệ, tám thơm Điện Biên... Doanh nghiệp có nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài với số lượng lớn, nhưng không dám ký hợp đồng với đối tác, do quy mô nguyên liệu không ổn định và thiếu sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp giữa các địa phương”.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương Vũ Thị Hà, điều đáng lo ngại là tình trạng mạnh ai, nấy làm đã dẫn đến cạnh tranh giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn khi có những cơ sở tranh mua, tranh bán vào thời điểm nông sản được giá, khan hàng. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ nông dân thiếu trách nhiệm với doanh nghiệp và các đơn vị liên kết vì khi nông sản được giá thì bán ra ngoài, chỉ khi giá thấp hơn mới bán cho đối tác liên kết. Vì thế, nông dân và doanh nghiệp chế biến nông sản chưa tìm được tiếng nói chung...
Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay, năm 2018, Sở NN&PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố đã tích cực kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, qua đó đã xây dựng và phát triển được 543 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, sự hợp tác vẫn còn lỏng lẻo do vùng sản xuất chuyên canh của các địa phương chưa phù hợp với quy hoạch, có vùng được quy hoạch lại không phát triển được...
Lý giải nguyên nhân dẫn đến liên kết vùng trong phát triển nông nghiệp còn hạn chế, ông Vũ Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La (một địa phương tích cực liên kết tiêu thụ nông sản với Thủ đô) cho rằng, một số địa phương không tha thiết tham gia liên kết hoặc tham gia nhưng không tuân thủ, không thống nhất những quy định cũng như chia sẻ lợi ích hợp lý cho nhau. Trong khi đó, do sản xuất không có kế hoạch, nông dân không tham gia chuỗi sản xuất khép kín mà sản xuất tự phát, theo tâm lý đám đông, không tìm hiểu thị trường trước khi xuống giống... nên chưa tạo được sự kết nối bền vững.
Cần một "nhạc trưởng"
Hà Nội tích cực nhân rộng các mô hình cánh đồng mẫu lớn, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh. Ảnh: Thái Hiền |
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, sau dồn điền, đổi thửa, TP Hà Nội đã xây dựng được các vùng trồng rau, hoa, lúa chất lượng cao, vùng chăn nuôi trọng điểm... trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của từng địa phương. Tuy nhiên, để liên kết vùng trong kinh tế nông nghiệp với các tỉnh, thành phố lân cận đạt hiệu quả trên các mặt như: Quy hoạch sản xuất quy mô lớn, quản lý chất lượng, tổ chức tiêu thụ…, phải có một cơ quan, đơn vị đứng ra chủ trì trong việc chỉ đạo liên kết từng vùng.
Từ kinh nghiệm kết nối tiêu thụ nông sản an toàn với các tỉnh, thành phố về thị trường Hà Nội thời gian qua, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, việc liên kết tổ chức xây dựng các vùng kinh tế nông nghiệp không chỉ là yêu cầu để bảo đảm thị trường nông sản an toàn mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương khác. Vì vậy thời gian tới, Hà Nội và các tỉnh, thành phố cần tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường số lượng và chất lượng các chuỗi liên kết cung ứng; phấn đấu 100% thực phẩm cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.
Trên cơ sở định hướng chung của Bộ NN&PTNT về sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành, các địa phương cần tăng cường hợp tác liên kết với nhau để tổ chức sản xuất hiệu quả gắn với thị trường, trên cơ sở hợp tác cùng có lợi. Thực tế, Hà Nội đã triển khai các mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp với nông dân, liên kết giữa nông dân với nông dân để hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới, bước đầu đã đem lại hiệu quả cao trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành phố, Hà Nội sẽ tích cực nhân rộng các mô hình cánh đồng mẫu lớn, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh có sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
Để thúc đẩy việc liên kết vùng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương, trong đó có TP Hà Nội tập trung tháo gỡ khó khăn, cụ thể hóa ngành hàng; với những sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho các bên tham gia liên kết vùng. “Các hình thức hợp tác, liên kết vùng trong phát triển nông nghiệp như việc thỏa thuận, tự nguyện cùng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, liên kết theo chuỗi… đều được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Vấn đề đặt ra là, các cấp, các ngành ở địa phương và bản thân nông dân phải có những hành động cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu liên kết vùng trong nông nghiệp” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.