Điểm đến di sản: Vẫn “khát” đồ lưu niệm giàu bản sắc
Du lịch - Ngày đăng : 06:45, 27/01/2019
Khách tham quan trước một gian hàng lưu niệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Vẫn ở ngưỡng thăm dò thị hiếu
Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa giới thiệu với đại diện một số cơ quan truyền thông sản phẩm lưu niệm mới của di tích. Đó là bình nước cầm tay được thiết kế tinh xảo, mô phỏng hình dáng ống quyển của sĩ tử thời xưa với nguyên liệu tre, trúc vô cùng thân thiện. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, đã có nhiều góp ý về việc di tích còn thiếu sản phẩm lưu niệm đặc trưng để quảng bá lịch sử, văn hóa, kích cầu tham quan, mua sắm. Lần giới thiệu này là bước nghe ngóng ý kiến để tới đây, Trung tâm sẽ phát triển một loạt sản phẩm lưu niệm như một “đại sứ” tuyên truyền, giáo dục giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tăng sức hút cho điểm đến.
Trước đó, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng đã rục rịch cho ra đời một số mặt hàng lưu niệm như: Hộp bút, bộ lót cốc, móc chìa khóa, cốc uống nước… mang những hình ảnh biểu trưng nhất của di tích. Các cán bộ, nhân viên nơi đây còn ấp ủ một sản phẩm lưu niệm độc đáo, đó là lá và quả bàng khắc hình Nhà tù Hỏa Lò, những vần thơ của các cựu tù chính trị…, sau khi đã được xử lý bằng công nghệ hiện đại để giữ khô. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò chia sẻ: “Sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn của di tích là cách hữu hiệu để giới thiệu giá trị di sản tới du khách trong và ngoài nước, đồng thời nhắc nhớ du khách về điểm đến với những ấn tượng riêng có. Đây cũng là cơ hội khuyến khích du khách chi tiêu nhiều hơn tại điểm đến, góp phần tăng tổng doanh thu cho du lịch".
Nhiều điểm đến bảo tàng, di tích trên địa bàn thành phố cũng vắng bóng các sản phẩm mang những nét đặc thù của di sản hay bị phổ cập, lấn át bởi những mặt hàng nghèo nàn bản sắc, có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ nơi đâu. Ông Lê Ngọc Hiền, Công ty TNHH Du lịch Tâm Long, cho hay: Ở các nước phát triển, quà lưu niệm du lịch không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, điểm đến mà còn mang lại nguồn lợi nhuận to lớn cho ngành Du lịch. Tuy nhiên, lĩnh vực này ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Mức chi tiêu bình quân của khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 135 USD/ngày nhưng chi tiêu cho hàng lưu niệm chỉ chiếm 15%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Thái Lan là 50-55% hay Singapore là 20-25%.
Không theo kịp sẽ thiệt
Sản phẩm lưu niệm tại Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long thu hút các du khách “nhí”. |
Hà Nội được biết đến như là nơi hội tụ của hầu hết các bảo tàng trên cả nước. Đây là nguồn tài nguyên quý giá để Thủ đô quảng bá hình ảnh, giúp du khách cảm nhận chân thực, sâu sắc nhất về bản sắc, hồn cốt mảnh đất Kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc chuyên nghiệp hóa sản phẩm lưu niệm du lịch.
Để không bỏ lỡ cơ hội, tháng 10- 2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở Du lịch khẩn trương đẩy nhanh tiến độ sản xuất mẫu Bộ nhận diện thương hiệu, chỉ dẫn du lịch và sản phẩm lưu niệm du lịch trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực tế, đặt hàng thiết kế nhằm bảo đảm chất lượng, kiểu dáng, hình thức, màu sắc. Một trong những yêu cầu của nhiệm vụ này là tích hợp được mã xuất xứ hàng hóa, đưa thông tin riêng biệt của từng loại sản phẩm gắn với làng nghề, tên tuổi nghệ nhân. Thành phố cũng yêu cầu mỗi điểm đến di sản tiêu biểu đẩy mạnh phát triển sản phẩm lưu niệm mang đậm bản sắc, hồn cốt của nơi đó.
Để thực hiện điều này, nhiều bảo tàng, di tích đang gấp rút nghiên cứu, đưa ra các mẫu thiết kế sản phẩm lưu niệm với sự đầu tư, trau chuốt về kỹ thuật chế tác cũng như nguyên liệu sử dụng. Tiêu biểu như, Bảo tàng Hà Nội, bên cạnh nhiệm vụ thúc đẩy hoàn thiện trưng bày hiện vật, cũng đang triển khai ý tưởng thiết kế sản phẩm lưu niệm là các mô hình thu nhỏ của các bảo vật quốc gia tại Hà Nội. Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang tiếp tục nghiên cứu sản phẩm giá kê điện thoại khắc họa từ hình mẫu trụ đắp nổi bốn chim phượng xòe cánh ra bốn hướng khác nhau...
Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội nhấn mạnh: "Phát triển sản phẩm lưu niệm gắn với các hiện vật, di vật tại Bảo tàng sẽ là một trong những hướng mũi nhọn Bảo tàng tập trung khai thác nhằm tăng sức hấp dẫn cũng như ghi dấu ấn về điểm đến trong lòng công chúng. Để làm được điều này, các sản phẩm lưu niệm của bảo tàng không chỉ cần được thiết kế tinh xảo mà còn phải đa dạng ở tính ứng dụng, đồng thời kể được câu chuyện về lịch sử, văn hóa Hà Nội, dù chỉ là ở một khía cạnh nhỏ".