Thỏa hiệp tạm thời

Thế giới - Ngày đăng : 07:24, 28/01/2019

(HNM) - Sau hơn một tháng bế tắc, cuối tuần qua, một phần Chính phủ Mỹ đã được mở cửa trở lại. Quốc hội nước này đã thông qua dự luật hỗ trợ ngân sách cho chính phủ tạm thời hoạt động trong 3 tuần sau khi Tổng thống Donald Trump đồng ý một thỏa thuận không bao gồm khoản ngân sách 5,7 tỷ USD xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Sau khi ký phê chuẩn dự luật hỗ trợ ngân sách cho chính phủ tạm thời hoạt động tới ngày 15-2, Tổng thống D.Trump nhấn mạnh các nhà lập pháp sẽ phải làm việc tích cực trong thời gian này để đạt được một giải pháp lâu dài hơn cho cuộc khủng hoảng biên giới. Ông chủ Nhà Trắng đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, đảng Dân chủ và Cộng hòa sẵn sàng gạt mâu thuẫn sang một bên để đặt vấn đề an ninh của người dân và đất nước lên hàng đầu.

Hàng dài hành khách đứng chờ tại trạm kiểm soát an ninh sân bay Hartsfield-Jackson Atlanta ở Georgia (Mỹ) vì thiếu nhân viên kiểm soát không lưu.


Sự kiện này diễn ra khi tình trạng Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần đã bước sang ngày thứ 35 do những bất đồng giữa đảng Dân chủ và Tổng thống D.Trump về đề xuất chi 5,7 tỷ USD xây bức tường biên giới. Phe Dân chủ giữ lập trường phản đối kế hoạch tốn kém này trong khi người đứng đầu nước Mỹ kiên quyết bảo vệ ý tưởng trên.

Việc không bên nào chịu "xuống nước" đã đẩy nhiều chương trình quan trọng của Chính phủ trước các nguy cơ lớn, làm xáo trộn sinh hoạt thường nhật của người dân và gây ra những hệ lụy không nhỏ với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã phàn nàn, họ gặp khó khăn trong việc trả tiền cho những người cung cấp tin tức trong các vụ điều tra hay cập nhật các thông tin an ninh bí mật.

Trong khi đó, hàng trăm chuyến bay đã bị đình chỉ do nhân viên kiểm soát không lưu “cáo ốm” vì không được trả lương… Các kết quả khảo sát cho biết, người dân đã liên tục phản đối việc Chính phủ đóng cửa dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trước tình hình này, Tổng thống D.Trump buộc phải có sự nhượng bộ để chấm dứt tình trạng đã khiến nền kinh tế Mỹ “bốc hơi” ít nhất 6 tỷ USD. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn không quên để ngỏ khả năng sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nếu không thể đạt được thỏa thuận cấp tiền xây dựng bức tường biên giới trước thời hạn tiếp theo để thông qua ngân sách hoạt động của Chính phủ.

Ông cảnh báo, nếu không nhận được “tín hiệu xanh” từ Quốc hội, Chính phủ Mỹ sẽ lại phải đóng cửa sau ngày 15-2 hoặc ông sẽ sử dụng quyền được quy định trong Hiến pháp và pháp luật để giải quyết vấn đề. Tuyên bố này đồng nghĩa với việc cuộc chiến liên quan đến khoản ngân sách dành cho việc xây dựng bức tường biên giới vẫn chưa ngã ngũ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, quyết định lần này của Tổng thống D.Trump cho thấy ông chủ Nhà Trắng đã “phải lùi một bước” trước đảng Dân chủ. Thế nên, đây có thể được xem là một thắng lợi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, người đã duy trì sự đoàn kết của đảng Dân chủ trong suốt thời gian qua.

Tuyên bố của bà N.Pelosi về việc Hạ viện sẽ không thông qua nghị quyết cho phép Tổng thống tới đọc bản thông điệp liên bang, cũng như đề nghị ông dời ngày đọc văn bản này đã gửi đi thông điệp rất rõ ràng là phe Dân chủ sẽ không thay đổi lập trường về việc Chính phủ phải mở cửa trước khi Quốc hội thông qua bất cứ khoản ngân sách nào cho việc xây dựng bức tường biên giới.

Bà cũng tỏ rõ quan điểm sẽ không bao giờ nhân nhượng chỉ bởi lý do nước Mỹ đang bị mắc kẹt trong tình trạng Chính phủ đóng cửa lâu nhất trong lịch sử hay để xoa dịu cơn giận dữ của cử tri.

Do đó, thỏa thuận ngắn hạn này cho thấy cuộc chiến pháp lý giữa đảng Dân chủ và Tổng thống D.Trump vẫn chưa kết thúc. Sau thời hạn 15-2, căng thẳng giữa Nhà Trắng với Đồi Capitol sẽ còn tiếp diễn và vẫn còn đó nguy cơ Chính phủ Mỹ một lần nữa bị “đóng băng” trở lại.

Thùy Dương