Cần vốn, quỹ đất và công nghệ

Nông nghiệp - Ngày đăng : 08:31, 28/01/2019

(HNM) - Năm 2019, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản và thủy sản đạt 43 tỷ USD.


Nỗi lo thiếu nguyên liệu


Năm 2018, xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản đạt 9,34 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 8,86 tỷ USD. Có thể thấy, gỗ và lâm sản đang là mặt hàng chiến lược quan trọng của ngành Nông nghiệp. Tuy xuất khẩu đạt giá trị lớn, song nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng, nếu có vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu thì giá trị mặt hàng này còn tăng cao hơn nữa.

Nhãn chín muộn, một loại quả xuất khẩu chủ lực của ngành Nông nghiệp Thủ đô. Ảnh: Bá Hoạt


Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Gỗ nội thất Minh Phát II (tỉnh Bình Dương) Điền Quang Hiệp cho biết, nguồn cung nguyên liệu gỗ không ổn định đang là nỗi lo của các doanh nghiệp chế biến gỗ. Theo ông Hiệp, để ổn định nguồn cung gỗ nguyên liệu, công ty phải bỏ ra số vốn khá lớn cùng nông dân và các chủ rừng để trồng rừng, tạo vùng nguyên liệu. Dù vậy, nguồn nguyên liệu đó khó có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất trong 1-2 năm tới, bởi từ rừng trồng đến khi khai thác cần khoảng 3-5 năm trở lên. Trong khi đó, việc xây dựng chuỗi khép kín từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến lâm sản vẫn bất cập do thiếu vốn, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo...

Tương tự, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, trái cây cũng có tình trạng như vậy. Là một trong những công ty chuyên phân phối nông sản trong nước và xuất khẩu nhưng đến nay, Công ty cổ phần Nông sản Hưng Việt (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) vẫn loay hoay tìm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là mặt hàng xuất khẩu. Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản Hưng Việt cho biết, nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn hợp tác về cung ứng rau, quả nhưng công ty phải cân nhắc kỹ, bởi xuất khẩu tới thị trường nước ngoài đồng nghĩa phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe. Song, do chưa có vùng nguyên liệu ổn định để sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu từ đối tác nên khi họ đề nghị ký kết hợp đồng lớn, công ty phải từ chối và đành chịu mất cơ hội...

Tại Hà Nội, nhãn chín muộn cũng đã xuất khẩu tới một số nước, tuy nhiên, quy mô còn nhỏ (5-10ha), lại phân bố rải rác (Quốc Oai, Hoài Đức...) nên để xây dựng vùng nguyên liệu chuyên xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn.

Không chỉ đồ gỗ, rau, quả... mà nhiều nông sản khác của Việt Nam như điều, tiêu... cũng đang thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, hiện nay, mới có hơn 10% nông sản nước ta được xuất khẩu qua chế biến; còn lại hầu hết là xuất khẩu thô. Nguyên nhân chính của thực trạng này là chúng ta chưa xây dựng được vùng nguyên liệu đủ lớn để phục vụ chế biến, xuất khẩu...

Đồng bộ các giải pháp


Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN& PTNT) cho rằng, khó khăn lớn nhất trong xây dựng vùng nguyên liệu nông sản hiện nay là doanh nghiệp và nông dân chưa liên kết được với nhau. Nhiều nơi, vai trò chủ thể trong kết nối của các hợp tác xã chưa được phát huy. Bên cạnh đó, quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng vùng nguyên liệu khá lớn, trong khi nhiều địa phương, doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.

Để có vùng nguyên liệu đủ lớn phục vụ sản xuất, chế biến thì doanh nghiệp đóng vai trò khá quan trọng. Chỉ khi doanh nghiệp chủ động liên kết, cung ứng con giống, vật tư, đầu tư khoa học... mới có thể hình thành được vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu. Thực tế này đã được chứng minh khi một số doanh nghiệp lớn, như Tập đoàn TH, Tập đoàn Vingroup... đầu tư vào nông nghiệp với quy mô vùng nguyên liệu lớn thì các tập đoàn đó luôn chủ động được khâu cung ứng sản phẩm. Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường từng khẳng định: Việc xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn không chỉ tạo thế chủ động cho doanh nghiệp về nguồn cung mà còn giúp nông dân có hướng sản xuất phù hợp nhu cầu tiêu dùng hiện đại với những sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh. Nhà nước sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp 100% kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng nếu dự án có xây dựng vùng nguyên liệu tập trung.

Cùng với đó, các địa phương cần phát triển theo đúng quy hoạch dựa vào thế mạnh từng vùng. Trong đó, cần xác định rõ vùng sản xuất phục vụ thị trường trong nước và vùng phục vụ xuất khẩu; xây dựng kế hoạch liên kết nông dân - doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ... nhằm tạo nên các vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu về lượng và chất.

Đối với Hà Nội, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, để xây dựng được vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, sau dồn điền đổi thửa, các địa phương cần tập trung vào sản phẩm chủ lực; liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất gắn với chế biến...

Hiện, nhiều địa phương (Hà Nam, Lâm Đồng, Hải Dương...) đã xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bằng việc tạo ra quỹ đất sạch; kết nối, liên kết doanh nghiệp - nông dân để hình thành các vùng nguyên liệu quy mô lớn. Từ những điển hình này, có thể nhân rộng, kết hợp giải pháp tích cực, đồng bộ của các cấp, các ngành chức năng, chắc chắn nhiều vùng nguyên liệu nông sản như kỳ vọng sẽ sớm trở thành hiện thực.

Đỗ Minh