Nên tắt sóng mạng 2G hay 3G?
Xe++ - Ngày đăng : 07:19, 29/01/2019
Theo dự báo của Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu - GSMA, lượng thuê bao 2G trên toàn cầu sẽ giảm từ 40% (năm 2017) xuống còn 6% vào năm 2025; lượng thiết bị đầu cuối 2G bán ra trên thị trường thế giới cũng giảm nhanh, dự kiến còn 15,1% vào năm 2023. Còn theo số liệu của Cục Tần số vô tuyến điện (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), thời điểm năm 2014, lượng thuê bao 2G trong nước có khoảng 107 triệu và giảm còn 72 triệu vào tháng 5-2018. Tương tự, lượng thuê bao 3G tại Việt Nam ở thời điểm mạng 4G xuất hiện cũng giảm nhanh (chỉ còn 22%).
Như vậy, cả lượng thuê bao 2G và 3G đều đang giảm, tuy nhiên thuê bao 3G giảm nhanh hơn. Sở dĩ như vậy là vì công nghệ 3G có đặc điểm nửa thoại, nửa data (dữ liệu) nên có hạn chế về dữ liệu. Vì vậy, khi các nhà mạng triển khai 4G, người dùng điện thoại thông minh chuyển sang dùng 4G nhanh chóng. Còn với 2G, công nghệ này chỉ dành cho thoại và tin nhắn nên vẫn có một lượng người dùng ổn định. Do vậy, ở góc độ thị trường, lượng người dùng điện thoại thông minh từ 3G chuyển lên 4G thuận lợi và dễ dàng so với người dùng điện thoại cơ bản 2G chuyển lên 4G (hoặc 3G). Đó cũng là lý do một số quốc gia trên thế giới chọn phương án tắt sóng 3G thay vì tắt sóng 2G.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra ngày 15-1, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ đặt ra trong năm nay là xây dựng lộ trình tắt sóng mạng 2G, hoặc 3G gắn với lộ trình loại bỏ công nghệ cũ (2G, 3G), đồng thời quy hoạch tài nguyên tần số phục vụ phát triển các công nghệ mới.
Dù là tắt sóng loại nào tới đây, chắc chắn các doanh nghiệp phải bám sát theo nhu cầu người tiêu dùng.