Thu thuế Facebook còn nhiều gian nan

Kinh tế - Ngày đăng : 07:29, 29/01/2019

(HNM) - Như Báo Hànộimới ngày 21-1 đã thông tin, mặc dù có doanh thu hàng trăm triệu USD tại Việt Nam, nhưng hiện nay mạng xã hội Facebook vẫn chưa đóng thuế cho ngân sách nhà nước.

Hiện nay, việc thu thuế kinh doanh qua Facebook vẫn gặp nhiều trở ngại. Ảnh: Sơn Hà


Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), mạng xã hội Facebook vi phạm pháp luật Việt Nam trên 3 lĩnh vực lớn, gồm: Quản lý nội dung thông tin; quảng cáo trên mạng; thuế và thanh toán xuyên biên giới. Trong đó, Facebook hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhận tiền từ người dùng Việt Nam để chạy quảng cáo, nhưng không nộp thuế tại Việt Nam. Với Facebook, hiện nay ngân sách nhà nước thất thu 2 khoản thuế: Facebook nhận tiền của cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội tại Việt Nam, nhưng không bị thuế nhà thầu; nhận tiền từ cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội. Hiện nay, doanh thu của Facebook tại Việt Nam lên tới hơn 200 triệu USD trong năm 2018 (theo dự đoán của Công ty Nghiên cứu thị trường ANTS). Tuy nhiên, cơ quan thuế vẫn đang gặp khó đối với việc quản lý thuế Facebook.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Bộ Tài chính cho rằng, để thu thuế từ các hoạt động kinh doanh trên Facebook ở Việt Nam, cơ quan chức năng đang áp dụng thuế nhà thầu, tức là thực hiện khấu trừ thuế tại nguồn với các đơn vị, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh trên Facebook. Tuy nhiên, cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu loại thuế này. "Với sự tồn tại của Facebook tại Việt Nam, con số cá nhân kinh doanh và phát sinh thu nhập từ mạng xã hội này không nhỏ. Theo quy định, cá nhân kinh doanh phải khai báo và nộp thuế cho Nhà nước, nhưng rất đông cá nhân thông qua Facebook bán hàng, “né” được doanh thu. Thêm vào đó, Nhà nước cũng quy định chỉ thu được thuế những cá nhân bán hàng qua mạng xã hội từ 100 triệu đồng/năm trở lên”, ông Nguyễn Văn Phụng phân tích.

Từ thực tế nêu trên cho thấy, việc thu thuế người kinh doanh qua mạng Facebook rất khó khăn. Lý do là ngành Thuế không thể vào Facebook của từng người để thu thuế được vì thiếu bằng chứng, thông tin. Việc cá nhân, tổ chức trả tiền quảng cáo cho Facebook thông qua thẻ tín dụng, cơ quan thuế cũng không nắm được do hiện nay vẫn chưa có quy định về việc phối hợp giữa cơ quan thuế và ngân hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh nhân lực làm công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Thuế có hạn, việc truy soát tài khoản của hàng chục nghìn cá nhân bán hàng qua Facebook để xác định họ có đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm hay không để truy thu thuế thu nhập cá nhân là việc không khả thi.

Để khắc phục tình trạng này, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, trước hết phải kiểm soát được cả nước hiện có bao nhiêu tổ chức và cá nhân thực hiện kinh doanh online (trực tuyến) thông qua các trang mạng xã hội. "Khâu đầu tiên phải đăng ký, hiện nay các cục thuế lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tìm lại trên cơ sở dữ liệu của mình để thông báo cho các tổ chức, cá nhân có kinh doanh đăng ký mã số thuế. Tuy nhiên, do mang tính chất tự nguyện, nên thực tế số cá nhân đến đăng ký rất nhỏ", bà Nguyễn Thị Cúc nhìn nhận.

Nhằm quản lý cá nhân bán hàng, phải có quy định cụ thể để bắt buộc họ đăng ký kinh doanh và đăng ký mã số thuế. Nếu không đăng ký mà có kinh doanh sẽ bị phạt, còn nếu đăng ký mà chưa đến mức nộp thuế như doanh thu 100 triệu đồng/năm thì được miễn thuế. Để thực hiện, các mô hình ví điện tử phải có kết nối số liệu doanh thu với cơ quan thuế và ngân hàng phải có trách nhiệm cung cấp số liệu cho cơ quan thuế khi được yêu cầu.

Tổng cục Thuế đang triển khai nhiều biện pháp nhằm thu thuế năm 2019 đối với Facebook. Tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), cơ quan thuế đã nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp, như yêu cầu đặt máy chủ, hoặc mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, buộc thanh toán qua cổng Napas..., qua đó có thể quản lý chặt chẽ mạng xã hội này và chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Đức Anh