Nâng cánh ước mơ

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:22, 30/01/2019

(HNM) - Những câu chuyện về học sinh, giáo viên đặc biệt của ngôi trường đặc biệt - Trường Dạy trẻ câm điếc Hà Nội (39 Hoàng Ngân, quận Thanh Xuân) thuộc Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội, luôn để lại ấn tượng khó quên với bất cứ ai từng đến đây.

Những tiết học của thầy Nguyễn Tuấn Linh luôn có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh.
Ảnh: Hà Hiền


Những lớp học đặc biệt

Cơ duyên đưa chúng tôi đến với thầy và trò Trường Dạy trẻ câm điếc Hà Nội vào một ngày cuối năm. Không khí sôi động, nhộn nhịp những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 dường như ở ngoài cánh cổng nhà trường. Phía trong tất cả các lớp học, thầy, cô giáo say sưa giảng bài, học sinh chăm chú nhìn theo từng nét chữ, cử chỉ thân quen. Quan sát kỹ, chúng tôi nhận ra sự khác biệt ở những lớp học này. Đó là, bàn ghế được sắp xếp theo hình zíc zắc, giúp học sinh dễ dàng quan sát giáo viên giảng bài bằng ngôn ngữ ký hiệu. Khi cần, học sinh có thể rời bàn ghế, đến bên bục giảng đứng cạnh thầy, cô giáo để trao đổi, nêu ý kiến. Cứ như vậy, các giờ học diễn ra hấp dẫn, dù mỗi lớp chỉ có 10-13 học sinh.

Được trang bị kiến thức, được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy năng lực, sở trường, các thế hệ học sinh của nhà trường luôn ấp ủ những mơ ước tươi đẹp về tương lai. Dùng ngôn ngữ ký hiệu để diễn đạt, em Nguyễn Thị Quyên (sinh năm 1998), lớp Kỹ năng sống cho biết: Em đến từ xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức). Bố, mẹ em sinh được hai người con, thì cả hai đều bị câm điếc bẩm sinh. Biết thông tin về Trường Dạy trẻ câm điếc Hà Nội qua mạng internet, em xin bố, mẹ cho đi học. Thương con, dù gia đình thuộc diện hộ nghèo, bố, mẹ em vẫn chuyển cả nhà lên nội thành, thuê trọ ở phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) và đi làm thuê lấy tiền nuôi các con ăn học. Hiện tại, Quyên và em gái Nguyễn Thị Quỳnh (sinh năm 2001) đã biết chữ, biết giao tiếp, nhận ra năng lực của bản thân. Trường hợp khác là em Trần Nam Long (sinh năm 2005), đến từ thôn Vị Trù, xã Thanh Trù, TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) có năng khiếu hội họa, ước mơ trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Hằng ngày, ngoài giờ lên lớp, em miệt mài bên giá vẽ. Những bức tranh hoàn thành dưới nét cọ mềm mại, tinh tế của Long đều chuyển tải niềm tin vào con người, cuộc đời. Tinh thần lạc quan vui sống đã giúp em từng bước chiến thắng bệnh tật.

Tại lớp 1K, em Nguyễn Thị Hương Giang (sinh năm 2011), đến từ thôn Yên Lạc, xã Vĩnh Linh, huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) và bạn bè bày tỏ sự vui mừng bằng cách giơ hai tay lên cao khi được giáo viên khen ngợi. Chị Trương Thị Hương, mẹ Hương Giang cho hay: Từ một đứa trẻ không biết giao tiếp, sống khép kín, sau hơn một học kỳ, Hương Giang đã hòa đồng với mọi người, giao tiếp tốt. Các phụ huynh cũng được nhà trường tạo điều kiện cho học ngôn ngữ ký hiệu để có thể giao tiếp với những đứa con kém may mắn của mình. Nhờ đó, bố mẹ và các con hiểu nhau, gần gũi với nhau hơn.

Không khó để nhận thấy, tinh thần, không khí học tập ở các lớp học của học sinh câm điếc diễn ra sôi nổi như bao lớp học bình thường. Trong những năm gần đây, 100% học sinh Trường Dạy trẻ câm điếc Hà Nội đạt hạnh kiểm khá, tốt; khoảng 50-60% học sinh xếp loại học lực khá, giỏi. Từ ngôi trường này, nhiều lớp học sinh tự tin, tự lập tạo dựng cuộc sống hoặc tiếp tục học lên cao để làm giáo viên, nhân viên văn phòng, chủ doanh nghiệp… như bản thân, gia đình hằng mong ước.

Hành trình bồi đắp niềm tin

Trao đổi với chúng tôi, Hiệu trưởng Trường Dạy trẻ câm điếc Hà Nội Đặng Thị Kim Nguyệt cho biết, ngôi trường đặc biệt này được thành lập từ năm 1990, do Tổ chức ICCO (Hà Lan) tài trợ. Thời gian đầu, trường chỉ có 2 lớp với 17 học sinh, người học được hỗ trợ 100% tiền ăn, học. Từ năm 2010 đến nay, kinh phí tài trợ đã hết, mọi hoạt động của nhà trường phụ thuộc vào nguồn ủng hộ của xã hội và đóng góp của phụ huynh, không sử dụng ngân sách nhà nước. Năm học 2018-2019, toàn trường có 9 lớp học với 94 học sinh, đến từ TP Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Trung bình mỗi học sinh phải đóng góp khoảng 1-1,5 triệu đồng/tháng, bao gồm cả tiền ăn bán trú, nên các gia đình khó khăn vẫn có thể cho con, em theo học.

Ngoài nguồn hỗ trợ chung, những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thường xuyên nhận được học bổng, những suất quà là quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Một số em còn được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh. Chị Phùng Thị Hiếu bày tỏ: Con trai chị là học sinh Trần Nam Long mắc hội chứng bàn chân bẹt, phải trải qua nhiều đợt phẫu thuật để điều trị. Chồng mất sớm, bản thân chị không có việc làm ổn định, nên không đủ khả năng đưa con đi phẫu thuật. Trong quá trình theo học ở Trường Dạy trẻ câm điếc Hà Nội, Nam Long được các tổ chức, cá nhân đứng ra vận động được hơn 100 triệu đồng. Sau đợt phẫu thuật lần 1, sức khỏe của Long đang chuyển biến tích cực.

Trực tiếp mang đến tri thức, niềm tin cho học sinh câm điếc là đội ngũ, giáo viên yêu nghề, cảm thông, chia sẻ với người khuyết tật. Trong tổng số 24 cán bộ, giáo viên đang công tác tại trường, có 5 người hoạt động với tinh thần thiện nguyện; 6 giáo viên vốn là học sinh cũ luôn dạy học với sự đồng cảm sâu sắc. Điển hình là cô giáo Mạc Chung Thủy đồng hành với học sinh câm điếc từ những ngày đầu thành lập trường. Khi chưa nghỉ hưu, cô Thủy vừa dạy học chính khóa tại Trường THPT Quang Trung (quận Hà Đông), vừa đến Trường Dạy trẻ câm điếc Hà Nội dạy thiện nguyện. Từ lúc nghỉ hưu, cô Thủy dành toàn bộ tâm huyết cho những học sinh đặc biệt, thậm chí một số học sinh học yếu, có hoàn cảnh khó khăn còn được cô đưa về nhà riêng bồi dưỡng thêm. “Các lớp học sinh khôn lớn, trưởng thành, hòa nhập xã hội là động lực giúp tôi gắn bó với ngôi trường đặc biệt này. Chừng nào sức khỏe còn cho phép, tôi còn chia sẻ, giúp đỡ các em”, cô Mạc Chung Thủy khẳng định.

Tìm thấy động lực vươn lên trong cuộc sống, niềm tin vào tương lai, thầy Nguyễn Tuấn Linh từ chối nhiều công việc hấp dẫn ngoài xã hội, xin về trường cũ làm nghề “gõ đầu trẻ”. Qua người “phiên dịch”, thầy Linh bộc bạch: Đa số người câm điếc lành lặn về thân thể, bình thường về trí tuệ, nên chỉ cần quyết tâm, họ sẽ tìm thấy cơ hội vượt lên hoàn cảnh, trở thành người có ích. Trong quá trình giảng dạy các môn văn hóa hay kỹ năng sống, thầy Linh luôn lấy kiến thức thực tế và kinh nghiệm của bản thân để củng cố niềm tin cho học sinh. Vì vậy, các tiết học do thầy Linh đảm nhiệm luôn có sự tương tác, hòa hợp giữa những người đồng cảnh, giúp học sinh hứng thú học tập, lạc quan nhìn về tương lai.

Đến Trường Dạy trẻ câm điếc Hà Nội, chúng tôi còn gặp nhiều người thầy và học sinh đặc biệt khác. Khó khăn trăm bề, song, vì tình yêu thương, vì tương lai tươi sáng của những học sinh khuyết tật, tất cả đều cố gắng.

Minh Ngọc