Để xóa bỏ nỗi bất an...
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:44, 31/01/2019
Để nguồn thực phẩm bảo đảm an toàn, pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm. Các quy định này đang từng bước đi vào cuộc sống, song vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết. Đó là chính quyền cấp cơ sở chưa vào cuộc quyết liệt, chưa làm hết trách nhiệm, các ngành chức năng chưa có sự phối hợp chặt chẽ và nhận thức của người tiêu dùng về nguồn thực phẩm an toàn còn hạn chế.
Có thể thấy vi phạm về giết mổ gia súc, gia cầm khá phổ biến ở không ít chợ dân sinh và khu dân cư trên địa bàn TP Hà Nội. Trên nhiều cung đường là hình ảnh những chiếc xe máy chở thịt lợn không che chắn, không thùng bảo quản chuyên dụng, bất chấp mưa nắng, bụi bẩn... Đáng nói là vẫn còn hiện tượng bơm nước, bơm tạp chất, thuốc an thần cho gia súc, gia cầm nhằm thu lợi bất chính chưa được khắc phục triệt để...
Để xóa bỏ nỗi bất an, tạo lập thị trường thịt gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cần thực hiện đồng bộ và tổng hòa nhiều giải pháp.
Cái gốc của nỗi lo chất lượng thịt gia súc, gia cầm là bắt nguồn từ các điểm giết mổ nhỏ lẻ không được kiểm soát. Do đó, UBND cấp xã cần quản lý tốt địa bàn, cán bộ làm nhiệm vụ không được nể nang, né tránh... Vẫn biết, việc chấm dứt hoạt động của các điểm giết mổ tự phát, nhỏ lẻ không thể một sớm một chiều, nhưng nếu cán bộ cấp cơ sở nêu cao ý thức công vụ, trách nhiệm với công việc thì chắc chắn nhiều vi phạm sẽ dần được hạn chế. Với những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm số lượng lớn nhưng chưa được cấp phép, chính quyền địa phương cân nhắc, cho phép hoạt động trong thời hạn nhất định, để cơ quan thú y kiểm tra, kiểm soát theo quy định.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành về hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật; quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh, kiên quyết xử lý sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát giết mổ; hướng dẫn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào khu giết mổ tập trung theo quy hoạch. Song song với đó, đẩy mạnh tuyên truyền các quy định với người sản xuất, kinh doanh; định hướng người tiêu dùng thay đổi thói quen, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có bao gói, tem nhãn.
Cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các ngành: NN&PTNT, Công Thương, Công an... thì các chốt kiểm dịch động vật liên ngành phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý, truy xuất nguồn gốc vật nuôi khi vận chuyển vào địa bàn Hà Nội. Qua đó xử lý nghiêm các vi phạm, hạn chế khả năng lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Khi công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này được thực hiện hiệu quả, đồng bộ ở các cấp, ngành; việc tuân thủ quy định về giết mổ là ý thức tự giác của người sản xuất, kinh doanh và ý thức của người dân trong lựa chọn thực phẩm an toàn được nâng lên thì mục tiêu giảm khoảng 50% số cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư đến năm 2020, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trên địa bàn các huyện, thị xã như Kế hoạch 203/KH-UBND ngày 24-10-2018 của UBND TP Hà Nội đặt ra sẽ hoàn thành. Khi ấy, nguồn thực phẩm gia súc, gia cầm sẽ được bảo đảm an toàn ở mọi thời điểm, chứ không phải chỉ mỗi dịp Tết đến, xuân về.