Cương quyết xử lý vi phạm ở các lễ hội phản cảm
Văn hóa - Ngày đăng : 12:35, 01/02/2019
Tăng cường quản lý
Chuẩn bị cho mùa lễ hội 2019, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Công văn số 46/VHCS-NSVH gửi Sở VH,TT&DL, Sở VH-TT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019.
Những lễ hội chọi trâu được yêu cầu phải quản lý chặt chẽ, không để xảy ra phản cảm (nguồn: internet). |
Theo đó, Cục Văn hóa cơ sở đã đề nghị Sở VH,TT&DL, Sở VH-TT tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các giải pháp thực hiện có hiệu quả nội dung chỉ đạo tại Công văn số 323/BVHTTDL-VHCS ngày 23-1-2019 của Bộ VHTTDL về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019. Ngoài ra, Bộ VH,TT&DL cũng rà soát, thống kê, phân loại lễ hội như: Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài.
Bộ VH,TT&DL cũng kiến nghị với Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh kiểm soát, khuyến nghị các cơ sở kinh doanh đồ vàng mã hạn chế kinh doanh những mặt hàng đồ mã không phù hợp với thuần phong mỹ tục...
Bên cạnh đó, Bộ cũng hướng dẫn nghiệp vụ, rà soát, tổng hợp, phối hợp với chính quyền địa phương về trình tự đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy trình tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, Bộ VH,TT&DL cương quyết không chấp thuận tổ chức lễ hội có tính bạo lực, phản cảm.
Mùa lễ hội 2019 được siết chặt quản lý để bảo đảm diễn ra văn minh, an toàn, lành mạnh (ảnh minh họa). |
"Cục Văn hóa cơ sở đã tổ chức các đoàn công tác tới các "điểm nóng" để làm việc, đối thoại với Ban tổ chức lễ hội và người dân như: Đền Sóc (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Khu di tích Tây Yên Tử (Bắc Giang), lễ hội Đúc Bụt và lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Hội chọi trâu Phù Ninh và cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ) và đề nghị các địa phương, Ban tổ chức các lễ hội cam kết có giải pháp đối với các hiện tượng phản cảm, hạn chế đã diễn ra ở các lễ hội năm 2017”, bà Ninh Thị Thu Hương cho biết.
Ngay trong đầu năm mới, Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Thanh tra Bộ cũng như thanh tra các địa phương tăng cường công tác phối hợp liên ngành để thanh, kiểm tra công tác tổ chức lễ hội. Năm nay, công tác thanh tra, giám sát sẽ được tiến hành đột xuất, đảm bảo hỗ trợ tối đa cho các địa phương có biện pháp xử lý kịp thời những vấn đề nổi cộm.
Xử lý ngay khi có vấn đề nóng
Thực hiện tinh thần siết chặt công tác quản lý lễ hội, Sở VH-TT Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương có lễ hội lớn tăng cường công tác quản lý, thực hiện tổ chức theo đúng đề án. Ngoài ra, Sở VH-TT Hà Nội cũng cung cấp số điện thoại “đường dây nóng” 0869.295538 nhằm tiếp nhận và xử lý các thông tin 24/24h về lễ hội trên địa bàn Hà Nội.
Lễ hội chùa Hương sẽ được tổ chức bảo đảm an toàn, văn minh |
Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, trong những ngày diễn ra lễ hội, những cá nhân, đơn vị có trách nhiệm sẽ ứng trực thường xuyên để xử lý những vấn đề nóng mà dư luận phản ánh, bức xúc. Việc cung cấp số điện thoại “đường dây nóng” là một trong những giải pháp của cơ quan quản lý nhằm hạn chế những hiện tượng không đẹp xảy ra trong lễ hội.
Ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Hương cho biết, điểm mới của lễ hội năm nay là Ban tổ chức cấm kinh doanh tại khu vực nội tự các chùa, các động. Việc kinh doanh cũng không được tiến hành tại các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, khu vực sân của nhà thường trực Ban tổ chức tại Thiên Trù, sân ngoài Nam Thiên Môn... Ban tổ chức cũng cấm quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội.
Lễ hội Gióng đền Sóc thay đổi hình thức tán lộc. |
Theo ông Nguyễn Văn Hoạt, các chủ đò tham gia vận chuyển khách được tập huấn, tuyên truyền về quy tác ứng xử với du khách văn minh, lịch thiệp; bảo đảm yêu cầu về an toàn đường thủy. Các đò phải được trang bị phao cho du khách, bố trí giỏ đựng rác.
Còn tại Lễ hội Gióng đền Sóc – nơi từng diễn ra bạo lực phản cảm trong tục cướp hoa tre, Ban tổ chức cũng đã có phương án quản lý chặt chẽ hơn. Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng ban tổ chức Lễ hội khẳng định, riêng việc phát lộc tiếp tục có đổi mới, tổ chức quy củ hơn, nhằm bảo đảm tính tôn nghiêm, văn minh nơi thờ tự. Sau nghi thức tế lễ, phẩm vật sẽ được đưa vào hậu cung, khi có đủ lực lượng an ninh, việc phát lộc mới được thực hiện.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý cũng như các địa phương, mùa lễ hội 2019 hứa hẹn giảm thiểu được những hình ảnh phản cảm, bảo đảm an ninh, an toàn và văn minh, để lễ hội truyền thống trở về nét đẹp văn hóa vốn có.