Phòng, chống lạm dụng rượu, bia: Giảm gánh nặng cho xã hội
Đời sống - Ngày đăng : 06:29, 01/02/2019
Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc tập trung kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. |
Hệ lụy từ những “ma men”
Thời gian qua, cả nước liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, mà nguyên nhân bắt nguồn từ tài xế trong tình trạng say xỉn. Điển hình như vụ tai nạn liên hoàn gần cầu vượt Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) xảy ra mới đây, khiến 2 bà bầu phải nhập viện cấp cứu. Sau khi gây ra vụ tai nạn liên hoàn, nam tài xế điều khiển “xe điên” tiếp tục lao lên bệ phân cách dưới gầm cầu vượt. Chỉ khi đâm phải một chiếc taxi, xe mới dừng lại. Tại cơ quan công an, nam tài xế này thừa nhận có sử dụng rượu, bia trước khi lái xe và không nhớ được gì…
Trước đó, một nữ tài xế điều khiển chiếc xe Lexus đang lưu thông trên đường Trích Sài (quận Tây Hồ, Hà Nội), thì bất ngờ tông liên tiếp vào hàng loạt xe máy đi cùng chiều phía trước, khiến nhiều người bị thương nặng. Chiếc xe này chỉ dừng lại khi lao vào một ô tô của cảnh sát giao thông đỗ gần đó. Theo Công an quận Tây Hồ, kết quả kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở của nữ tài xế ở mức 0,7 miligam/1 lít khí thở.
Còn nhiều, rất nhiều các vụ tai nạn giao thông khác liên quan đến bia, rượu. Do say xỉn, không làm chủ được tay lái, xử lý tình huống kém, nhiều “ma men” đã vô tình gieo những “án tử” không hẹn trước cho những người tham gia giao thông khác và cả chính mình. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, có tới 65 đến 70% các vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.
Không chỉ vậy, rượu, bia còn là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh, trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và càng uống nhiều thì nguy cơ gây ung thư càng cao. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), sử dụng rượu lâu ngày làm hỏng gan, suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người chỉ lo lắng ngộ độc vì rượu giả, rượu pha chế từ cồn công nghiệp (methanol), còn rượu rõ nguồn gốc, xuất xứ thì không gây hại. Thế nhưng, dù rượu, bia "xịn" cũng vẫn gây gánh nặng cho gan. Tác hại của rượu, bia chính là do chất cồn (ethanol) gây ra. Với liều nhỏ và từ từ, chất cồn gây độc mạn tính cho các cơ quan và mô trong cơ thể, làm tổn thương tế bào và dẫn đến hậu quả là mắc các bệnh: Xơ gan, ung thư, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường... Khi uống nhiều, chất cồn gây nhiễm độc cấp tính, tác động lên cấu trúc và dẫn truyền của thần kinh trung ương, làm giảm tỉnh táo, rối loạn nhận biết, ảnh hưởng đến hành vi, từ đó gây ra các hậu quả cho người uống và người xung quanh như: Tai nạn, bạo lực...
Không chỉ trông chờ vào tự giác
Hiện trường vụ nữ tài xế say rượu lái xe Lexus tông liên hoàn trên phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ. |
Để đề phòng tác hại do rượu, bia gây ra, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, tốt nhất không nên uống, nếu không kiểm soát được. Trong trường hợp bất khả kháng, tuyệt đối không nên uống dồn dập, mà uống “lai rai” để tăng khoảng cách thời gian các lần chạm cốc. Đặc biệt, khi ngồi vào bàn tiệc đừng vì mải vui, mải chạm cốc mà quên ăn. Nguy hiểm là khi uống say và đi ngủ với cái bụng rỗng, rất nhiều người bị hạ đường trong máu, dễ dẫn tới tử vong hoặc di chứng trên não. Nên ăn đầy đủ trước, trong và ngay sau uống, đặc biệt các thức ăn từ tinh bột: Cơm, bún, mỳ…, hoặc thức ăn có nhiều đường sẽ hạn chế được nguy cơ này từ rượu.
Một lưu ý nữa, nhiều người khi uống vài cốc rượu, bia cảm thấy cơ thể nóng hơn, muốn cởi bỏ bớt quần áo, dù trời lạnh. Điều này rất nguy hiểm, vì khi uống rượu, do có chất kích thích, nồng độ cồn khiến mạch giãn, cơ thể cảm thấy ấm hơn. Song, lúc này nếu cởi áo, gặp trời rét sẽ khiến mạch đột ngột co lại, làm huyết áp tăng, dễ gây tai biến, đột quỵ, dẫn đến tử vong…
Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, để giảm gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội do lạm dụng rượu, bia, cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện một cặp hành động, đó là tuyên truyền và xử phạt. Không chỉ trông chờ vào ý thức tự giác, cơ quan chức năng phải trang bị đủ quyền, phương tiện cho lực lượng bảo vệ pháp luật thực thi nhiệm vụ xử lý vi phạm. Kết quả xử phạt nghiêm những người say vi phạm giao thông sẽ là cách tuyên truyền hiệu nghiệm nhất. Cùng với đó, nên công khai hình ảnh của những người uống rượu, bia lái xe gây tai nạn hoặc có hành vi chống đối để cả xã hội lên án. Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm xã hội của những người kinh doanh bia, rượu. Người kinh doanh phải quan tâm đến sức khỏe, tính mạng của khách hàng và của cộng đồng. Các hãng bia, rượu, nhà hàng hãy tích cực, chủ động gửi cho khách thông điệp “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Còn theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc lái xe sau khi đã dùng rượu, bia, có nồng độ cồn trong máu cao có thể gây hệ lụy khôn lường, không chỉ cho bản thân người điều khiển phương tiện, mà còn làm liên lụy tới những người tham gia giao thông khác. Trong khi đó, chế tài với người điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia ở nước ta vẫn còn quá nhẹ so với nhiều quốc gia khác. Chúng ta vẫn chưa hình sự hóa các trường hợp điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia mà chưa có hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, trước thực tế liên tiếp các vụ tai nạn giao thông do sử dụng bia, rượu thời gian qua, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần đánh giá, nhìn nhận lại vấn đề này.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Và một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%). |