Bản lĩnh "thép" trên sông nước

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:49, 01/02/2019

(HNM) - Công tác cứu nạn, cứu hộ trên cạn đã khó, dưới nước còn khó khăn hơn bội phần. Giữa môi trường nước lạnh giá, lại tiếp xúc trực tiếp với những nạn nhân xấu số... thì bản lĩnh “thép” là điều cần có ở mỗi cán bộ, chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ trên sông nước.

Chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ trên sông cứu người trong một buổi diễn tập.


Vượt qua giới hạn bản thân

Đúng đợt rét đậm vừa qua, chúng tôi được chứng kiến buổi diễn tập phương án cứu nạn, cứu hộ trên sông, hồ của Công an TP Hà Nội. Mưa phùn kèm theo gió ở hồ Tây thổi mạnh càng khiến cho thời tiết thêm giá lạnh. Thế nhưng, những chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ đóng vai “quân xanh”, “quân đỏ” trong buổi diễn tập vẫn lao xuống hồ để hoàn thành phương án đã đề ra. Tại khu vực chỉ đạo diễn tập, ánh mắt của các chỉ huy đơn vị hiện rõ sự lo lắng cho những chiến sĩ đang dầm mình dưới làn nước lạnh. Họ đã được huấn luyện một cách chuyên nghiệp, nhưng công tác cứu nạn, cứu hộ dưới nước sẽ có nhiều điều khó lường trước.

Tiếp xúc với chúng tôi, Thiếu úy Nguyễn Đình Thanh, chiến sĩ Đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, có trụ sở ở phố Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) cho biết, ở môi trường sông, hồ, đặc biệt là sông Hồng nhiều phù sa, tầm nhìn gần như bằng không. Khi thực hiện nhiệm vụ, người chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ phải sử dụng tay, chân và cơ thể thay đôi mắt, do đó rất nguy hiểm nếu chạm phải những vật sắc nhọn, thậm chí bom, mìn sót lại từ thời chiến tranh. Điều kiện thời tiết cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức chịu đựng của anh em. Mùa hè, với bộ thiết bị chuyên dụng, chiến sĩ có thể lặn sâu trong nước khoảng 1 tiếng, nhưng mùa đông chỉ được 30 phút vì thân nhiệt giảm nhanh. Đó là chưa kể công việc của các cán bộ, chiến sĩ hết sức đặc thù như, tìm thi thể bị nạn trên sông, hồ. “Quần áo bơi có một số bộ phận hở như cổ, cổ tay vẫn bị nước thấm vào. Đồng thời, khí nén trong bình đã được lọc hết hơi nước nên khi sử dụng sẽ có hiện tượng khô cổ họng, khi lên bờ phải bù lại nước ngay”, Thiếu úy Nguyễn Đình Thanh chia sẻ.

Trong khi đó, Trung úy Đinh Văn Quang, chiến sĩ Đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kể cho chúng tôi nghe về quá trình tìm kiếm xe ô tô đâm gãy lan can cầu Chương Dương, lao xuống sông Hồng mất tích (vào tối 3-11-2018). Việc tìm kiếm xe ô tô này được đánh giá là khá phức tạp, song Quang là một trong những người đầu tiên tìm thấy và đưa nạn nhân xấu số ra khỏi chiếc xe.

Không riêng vụ việc này mà nhiều vụ việc tương tự, các chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ đã dũng cảm vượt qua giới hạn của bản thân để hoàn thành nhiệm vụ. Gian nan, vất vả, thậm chí là đối mặt với sự nguy hiểm, ngoài ý chí, bản lĩnh thì các anh còn nhận được sự động viên từ gia đình. “Dù khó tránh khỏi sự lo lắng, song vợ và gia đình tôi rất ủng hộ, động viên. Đây chính là động lực để tôi cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”, Trung úy Đinh Văn Quang chia sẻ.

Trong một nhà kho rộng chừng 15m2, có rất nhiều thiết bị cứu nạn, cứu hộ hiện đại và tự chế mà chỉ có người trong nghề mới có thể kể tên hết được. Trong số đó, giàn lưỡi móc câu là phương tiện cứu nạn, cứu hộ được chính Trung úy Đinh Văn Quang nghiên cứu, chế tạo thông qua việc tìm hiểu các thiết bị đánh bắt cá của ngư dân. Ngoài các thiết bị này, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ phải mang theo bộ thiết bị lặn (nặng 20kg đến 25kg) và phải đeo chì trên người (được quy đổi 10kg trọng lượng cơ thể bằng 1kg chì). Tính sơ bộ, các anh phải gánh trên người khoảng 30kg khi thực hiện tìm kiếm cứu nạn dưới nước. “Khi xuống nước, trọng lượng thiết bị sẽ nhẹ hơn vì có lực cản của nước”, Trung úy Đinh Văn Quang chia sẻ với chúng tôi.

Vì an toàn của nhân dân

Là đơn vị đặc thù của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhưng theo Đại úy Hoàng Đức Mạnh, Đội phó Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông, đơn vị vẫn còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Các thiết bị, phương tiện phục vụ cứu nạn, cứu hộ dưới nước còn thiếu và vẫn chưa có phương tiện chữa cháy trên sông. Đơn vị cũng chưa có bến, bậc thang hạ xuồng trên sông Hồng; phương tiện di chuyển hiện tại cũng chỉ có một số xuồng cao su, chưa bảo đảm an toàn trong thực hiện nhiệm vụ và đơn vị thường xuyên phải “đi nhờ” Đội Cảnh sát đường thủy số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội).

Trung tá Tạ Tiến Đạt, Đội trưởng Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông cho biết thêm, đơn vị hiện có 27 cán bộ, chiến sĩ, tổ chức ứng trực luân phiên 1 ngày nghỉ, 1 ngày trực. Khi có tin báo sự cố, các cán bộ, chiến sĩ dù không phải thời gian trực cũng được yêu cầu có mặt để bảo đảm quân số thực hiện nhiệm vụ và duy trì công tác ứng trực sẵn sàng chiến đấu. Ngoài ra, hiện đơn vị vẫn còn thiếu chiến sĩ lái tàu, xuồng được đào tạo bài bản… Khó khăn là vậy, nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từ khi tổ chức lại (tháng 9-2018) đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 11 tin yêu cầu cứu nạn, cứu hộ và đã tìm thấy 4 nạn nhân.

Theo Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố hiện có 11 xuồng cao su cứu nạn, cứu hộ trên sông, hồ. Tuy nhiên, loại xuồng này chưa đáp ứng được yêu cầu về an toàn. Công an thành phố đã được Bộ Công an trang cấp ca nô sắt để phục vụ công tác và sẽ được đơn vị đưa vào sử dụng khi xây dựng xong bến cập tàu tại Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông. Phòng cũng đã kiến nghị đào tạo lái xuồng và tăng cường cán bộ, chiến sĩ có chứng chỉ lặn cho các đơn vị để phục vụ tốt nhất công tác sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm an toàn khi thực hiện nhiệm vụ.

Chứng kiến buổi diễn tập và thông qua những câu chuyện của Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông, chúng tôi mới thấu hiểu cảm thông sự vất vả, khó khăn của lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Các anh đã không quản ngại gian khổ, với bản lĩnh, sự dũng cảm để cứu người, cứu tài sản trong những sự cố, tai nạn. Với các anh, mục tiêu phấn đấu cao nhất đó là, nỗ lực để góp phần mang lại bình yên và an toàn cho nhân dân.

Tiến Thành