Phát triển minibus tại Hà Nội: Cần những giải pháp đặc thù
Giao thông - Ngày đăng : 07:13, 01/02/2019
Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có khoảng 120 tuyến xe buýt. Các tuyến xe buýt đã “phủ sóng” tới 30 quận, huyện, thị xã; kết nối nhiều khu vực xa trung tâm cũng như các khu đô thị, khu công nghiệp... Tuy nhiên, trong tổng số khoảng 120 tuyến buýt có 26 tuyến sử dụng xe buýt cỡ lớn (loại 80 chỗ); còn lại là xe 30 chỗ. Khu vực trung tâm là nơi có nhu cầu đi xe buýt nhiều nhất, nhưng lại bất cập nhất. Phần lớn tuyến đường hẹp, có mặt cắt dưới 11m nên xe buýt khó tiếp cận để phục vụ hành khách. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn hơn 110 xã, phường chưa có xe buýt. Câu chuyện tiếp cận với dịch vụ vận tải hành khách công cộng vẫn là “bài toán” cần được quan tâm. Đó là lý do dẫn tới việc TP Hà Nội quyết tâm ngay trong năm 2019 sẽ thí điểm đưa loại hình minibus vào khai thác nhằm tăng khả năng kết nối, qua đó giúp nâng cao tỷ lệ người dân Thủ đô tiếp cận và sử dụng xe buýt.
Theo ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), hiện có 90% tuyến xe buýt đang chạy trên những trục đường chính. Với giao thông Hà Nội hiện nay, khi người dân đi bộ 1km ra trạm xe buýt cũng thấy ngại thì sẽ rất khó tiếp cận với các phương tiện công cộng. Để phát triển, thành phố không chỉ cần quy hoạch mạng lưới, mà còn cả phương án hoạt động. Minibus không thể hoạt động như xe buýt truyền thống. Từ thời điểm xe ôm công nghệ vào Việt Nam, sản lượng giao thông công cộng có chiều hướng đi xuống, bởi xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ rất cạnh tranh về giá cả cũng như độ tiện dụng. Do đó, giá vé của minibus cũng cần mang tính cạnh tranh, khoảng 5.000 đồng/lượt. Nhà nước cần có cơ chế trợ giá đặc thù cho minibus để doanh nghiệp yên tâm tham gia. Hạ tầng cho minibus cũng cần được quan tâm nhằm tăng khả năng tiếp cận của hành khách...
Ủng hộ quan điểm phát triển minibus, Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, việc phát triển một số tuyến xe buýt nhỏ kết nối giữa các khu vực dân cư, các trung tâm thu hút phát sinh nhu cầu đi lại với tuyến xe buýt, kết nối giữa các tuyến xe buýt với các phương thức vận tải khác là một giải pháp hoàn toàn khả thi. Đây là giải pháp đã được áp dụng ở rất nhiều thành phố trên thế giới và đã đạt được nhiều thành công. Tại Hà Nội, minibus nếu thành công sẽ góp phần giảm các phương tiện giao thông cá nhân, từ đó giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Để bảo đảm minibus hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường, cơ quan chức năng cần chú trọng tới luồng tuyến, bảo đảm chạy qua các khu vực phát sinh thu hút lớn nhu cầu đi lại (dân cư, trường học, bệnh viện, công sở, đầu mối giao thông, trung tâm văn hóa…), đồng thời giao cắt với nhiều tuyến buýt cũng như các tuyến đường sắt đô thị, xe buýt nhanh - BRT hiện nay. Cách thức vận hành cũng đóng một vai trò quan trọng, cần đồng bộ về thời gian với các tuyến buýt khác, tần suất chạy xe lớn và ổn định, cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích trên xe (wifi miễn phí, điều hòa).
Chủ trương minibus là một hướng đi rất đúng, song có vào được cuộc sống và phát huy tối đa hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các bước triển khai cụ thể. Đây là thời điểm cần quyết tâm để tạo cú hích với vận tải công cộng Thủ đô. Nếu thực hiện được các giải pháp trên, chắc chắc minibus tại Hà Nội sẽ thành công.