Vẫn còn chồng chéo

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 07:07, 01/02/2019

(HNM) - Mấy năm gần đây, hoạt động cải cách thể chế, hoàn thiện các quy định, khuôn khổ pháp luật đã trở thành phong trào, nhắm tới mục tiêu cải cách trên diện rộng và nhanh chóng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.


Trong đó, các bộ, ngành tập trung các giải pháp hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp một cách tối đa. Trên thực tế, hầu hết các chỉ số đo lường mức độ cải cách đều có sự tiến bộ đáng kể; các báo cáo đánh giá của cơ quan chức năng, kể cả tổ chức quốc tế đã xác nhận điều đó.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy có sự tiến bộ không đều và cũng vẫn còn những hạn chế, “vết gợn” chưa đáp ứng yêu cầu cải cách trong quản lý, lại càng cách xa yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp.

Đơn cử, theo báo cáo tổng kết pháp luật về kinh doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2018 vừa qua, các cơ quan hữu trách đã giảm 4.403 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; thể hiện sự quyết tâm trước việc thực hiện công tác này. Nhưng, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng vẫn còn tới 18 nhóm mặt hàng phải chịu nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, chỉ riêng nồi cơm điện thuộc quyền kiểm tra của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Y tế. Tương tự, xe ô tô con thuộc quyền kiểm tra của Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương... Như vậy, chắc chắn còn tồn tại sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý đối với một nhóm hàng cụ thể, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, tốn chi phí và thời gian...; xa hơn là làm giảm sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh nói chung.

Xét về lý thuyết, các hoạt động quản lý đều cần đơn giản hóa và chỉ những mặt hàng có thể gây rủi ro đến các lợi ích công cộng thì mới cần kiểm tra chuyên ngành trước khi lưu thông. Thiết nghĩ, các bộ, ngành cần tăng cường ý thức cải cách theo yêu cầu của Chính phủ, sớm “ngồi lại với nhau” để phối hợp đồng bộ nhằm phục vụ doanh nghiệp tốt hơn.

Kính Lúp