Chăm sóc xe máy sẵn sàng chơi Tết như thế nào?

Xe++ - Ngày đăng : 08:36, 02/02/2019

Để có một cái Tết trọn vẹn với xế yêu, chủ xe cần kiểm tra xe, khắc phục sớm các lỗi cũng như tân trang, làm đẹp cho xe.


Theo quan niệm người Việt, mọi việc suôn sẻ trong những ngày đầu năm mới thì cả năm sẽ thuận buồm xuôi gió. Suốt một năm hoạt động, những ngày nghỉ trước Tết Nguyên đán cũng là thời gian để bạn có thể chăm sóc, bảo dưỡng chiếc xe máy của mình và sẵn sàng đón năm mới.

Vệ sinh bên ngoài

Là phương tiện di chuyển hằng ngày và tiếp xúc với môi trường, xe máy dễ dàng bị bám bẩn. Vấn đề này không chỉ làm giảm thẩm mỹ của xe mà còn gây ảnh hưởng đến khả năng vận hành của xe. Với môi trường nhiều bụi bẩn như ở Việt Nam, bạn nên rửa xe 2 lần/tháng.

Ngoài làm sạch bụi bẩn, rửa xe với dung dịch đúng chuẩn còn mang lại sự bóng bẩy cho lớp sơn. Ảnh: Sapo.


Ngoài làm sạch bụi bẩn, rửa xe với dung dịch đúng chuẩn còn mang lại sự bóng bẩy cho lớp sơn. Lưu ý, không nên rửa xe bằng nước rửa bát hay xà phòng giặt quần áo, vì các loại này có chứa chất tẩy rửa mạnh, dễ làm mất lớp sơn bóng của xe.

Nếu rửa xe ngoài cửa hàng, nên thu xếp rửa xe sớm. Càng cận Tết, càng có đông xe tới rửa và giá rửa xe cũng có thể tăng cao vào những ngày này.

Làm đẹp và làm mới cho xe

Có hai cách cơ bản để làm đẹp cho chiếc xe máy: Sơn lại toàn bộ xe, hoặc dán decal trang trí cho xe. Với cách sơn lại, số tiền bỏ ra sẽ nhiều hơn, nhưng thời gian sử dụng sẽ lâu hơn, khoảng 3-4 năm.

Trong khi đó, dán nilon trong bọc xe để bảo vệ lớp sơn zin cũng là một cách. Trong quá trình sử dụng, lớp bọc bảo vệ này sẽ xước rách và làm xấu ngoại hình của xe. Khoảng 1 năm, cần bọc lại một lần, chi phí cộng dồn cũng không tiết kiệm nhiều so với sơn mới xe sau 3-4 năm sử dụng.

Trang trí xe bằng decal cũng là cách khiến chiếc xe trở nên hấp dẫn hơn. Decal trang trí rất đa dạng, hoàn toàn có thể tự thiết kế nếu bạn có mắt thẩm mĩ tốt.

Bảo dưỡng bình ắc-quy và hệ thống điện

Ắc-quy là một trong những bộ phận quan trong nhất của xe, ngoài hệ thống động cơ. Đa số xe máy hiện nay đều sử dụng công nghệ phun xăng điện tử, liên quan trực tiếp đến điện và phải thông qua bình ắc-quy.

Nếu xe bạn xảy ra những hiện tượng sau: Khởi động khó, còi hoặc đèn xi-nhan chập chờn thì hãy kiểm tra ngay bình ắc-quy. Lúc này, bạn cần sự tư vấn của kỹ thuật viên xem chỉ cần nạp điện thêm hay phải thay thế bình ắc-quy mới.

Bạn cần nhờ kỹ thuật viên kiểm tra các bộ phận của hệ thống điện trên xe như dây điện, các loại đèn, còi và các công tắc. Ảnh: Trung Quang Lê.


Để xe hoạt động trơn tru, bạn cần nhờ kỹ thuật viên kiểm tra các bộ phận của hệ thống điện trên xe như dây diện, các loại đèn, còi và các công tắc. Hạn chế trang bị thêm các bộ phận rời sử dụng điện xe vì nhà sản xuất đã canh chỉnh vừa đủ lượng điện cho xe hoạt động. Khi phải gánh thêm các thiết bị ''độ'' thêm, hệ thống điện trên xe có thể bị ảnh hưởng, thậm chí xảy ra chập mạch, cháy nổ.

Kiểm tra hệ thống điện trước Tết sẽ khiến bạn yên tâm sử dụng xe hơn. Các sự cố xảy ra vào dịp Tết sẽ khó giải quyết hơn và giá cũng cao hơn.

Thay dầu nhớt cho xe

Dầu nhớt giúp bôi trơn động cơ, đảm bảo động cơ luôn được hoạt động trong tình trạng tốt nhất. Bên cạnh đó, dầu nhớt còn giúp chống mài mòn động cơ và góp phần kéo dài tuổi thọ của xe. Vì vậy, việc thay dầu nhớt định kỳ đóng vai trò rất quan trọng. Các hãng xe tại Việt Nam đều đưa ra khuyến cáo thay dầu nhớt cho xe sau 1.000 - 1.500 km. Khi thay dầu nhớt, cần lựa chọn đúng cấp nhớt và loại dầu nhớt để tối ưu hiệu năng của xe.

Khi thay dầu nhớt, cần lựa chọn đúng cấp nhớt và loại dầu nhớt để tối ưu hiệu năng của xe. Ảnh: Dirt Bike Test


Một bộ phận liên quan đến dầu nhớt là bộ lọc nhớt. Theo khuyến cáo, xe cần thay lọc nhớt mới sau mỗi 6.000 km. Để dễ nhớ, bạn cần phải thay lọc nhớt mới sau 4 lần thay dầu nhớt.

Kiểm tra phanh và lốp

Bạn nên kiểm tra lốp hằng tuần và bơm lốp đúng áp suất của nhà sản xuất. Đa số lốp đều có tuổi thọ khoảng 1-2 năm, nếu xe được sử dụng thường xuyên thì tuổi thọ lốp khoảng 15.000-20.000 km.

Ngoài ra, nếu lốp bị mòn gai dẫn đến tình trạng mất độ bám hoặc bị nứt, phồng bất thường thì nên thay thế bộ lốp mới.

Bạn nên kiểm tra lốp hằng tuần và bơm lốp đúng áp suất của nhà sản xuất. Ảnh: ride.co.uk


Hệ thống phanh có 2 bộ phận quan trọng cần chú ý hàng đầu là má phanh và đĩa phanh (tang phanh đối với phanh tang trống). Công việc định kỳ của bạn chỉ là kiểm tra độ mòn của má phanh và dầu phanh. Khi xe xảy ra các hiện tượng phanh không ăn, phanh bị kêu, bó phanh hay nặng phanh, bạn cần phải bảo trì bộ phận này ngay lập tức.

Kiểm tra giảm xóc

Thông thường, giảm xóc là bộ phận khó hư hao nhất. Nhưng khi xảy ra hư hỏng thì rất khó khắc phục, trừ khi thay mới. Lỗi thường gặp nhất là giảm xóc bị xì dầu.

Nếu để lâu, cát hoặc bụi sẽ bám vào chỗ bám dầu, theo hành trình nhún đi lên làm xước piston. Nếu piston bị xước thì bạn chỉ có thể thay mới chứ không thể khắc phục. Khi phát hiện xì dầu, bạn cần lau ngay vết dầu đó.

Kiểm tra những vết dầu đọng trên ống trượt để phát hiện tình trạng giảm xóc xì dầu. Ảnh: YouTube.


Trong quá trình sử dụng lâu ngày, dầu giữa 2 thanh giảm xóc trước có thể bị mất cân bằng, gây nên tình trạng tay lái dễ bị đảo hoặc dằn, xóc nhiều hơn. Khi đó, bạn cần đưa xe vào hãng để kỹ thuật viên dùng máy móc canh chỉnh lại dầu trong giảm xóc.

Kiểm tra nhông xích tải (dây cu-roa đối với xe tay ga)

Đối với xe số, nhông xích tải là bộ phận quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành xe. Theo khuyến cáo, chủ xe cần tra dung dịch bôi trơn cho xích tải sau mỗi 100 km, đồng thời kiểm tra độ chùng của xích và độ mòn của dĩa tải. Nếu xích tải bị chùng thì chỉ cần tăng xích lên.

Theo khuyến cáo, chủ xe cần tra dung dịch bôi trơn cho xích tải sau mỗi 100 km.


Nếu dĩa tải đã quá mòn (các răng trở nên nhọn hơn) hoặc tuổi thọ chạm mốc 15.000-20.000 km thì bạn nên thay nhông xích tải.

Dây cu-roa của xe tay ga về cơ bản không cần thiết phải kiểm tra thường xuyên, nhưng trên thực tế không có nhiều cách khắc phục như dây xích, ngoài việc thay mới. Tuổi thọ của dây cu-roa cũng tương tự xích tải.

Kiểm tra bộ ly hợp

Tuy không phải là bộ phận thuộc động cơ nhưng bộ ly hợp (bộ nồi) ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu năng của xe. Dấu hiệu cơ bản và dễ thấy nhất là xe bị mất gia tốc đầu, bị ì máy do các lá bố mất độ bám. Nhiều trường hợp chủ xe vẫn để tình trạng này tiếp diễn vì sợ khi sửa sẽ ảnh hưởng tới động cơ, làm ''mất zin'' động cơ.

Kiểm tra bộ ly hợp và thay thế các linh kiện nếu cần thiết sẽ giúp xe trở lại phong độ như khi mới mua.

Dấu hiệu cơ bản và dễ thấy nhất là xe bị mất gia tốc đầu, bị ì máy do các lá bố mất độ bám. Ảnh: YouTube.


Kiểm tra tổng quát động cơ

Động cơ là bộ phận quan trọng nhất của xe và cũng là bộ phận khó có thể kiểm tra bằng mắt thường. Trừ một vài trường hợp quá rõ ràng như ra khói trắng, máy kêu lớn.

Bạn cần bảo dưỡng động cơ thường xuyên để phát hiện và khắc phục những lỗi nhỏ bên trong. Nếu để lâu, lỗi này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.

Bạn cần bảo dưỡng động cơ thường xuyên để phát hiện và khắc phục những lỗi nhỏ bên trong. Ảnh: Tập Đoàn Việt.


Ngoài những bộ phận quan trọng phía trên, bạn cũng cần kiểm tra bu-gi xe thường xuyên để phát hiện những dấu hiệu bất thường của động cơ. Nếu bu-gi bị đen đầu hoặc mòn cực tâm thì bạn nên thay bu-gi mới. Bạn cũng nên dự phòng bu-gi và cầu chì vì 2 bộ phận này nhỏ gọn, rẻ tiền và dễ thay thế.

Theo Zing