Tết không cô đơn trong trung tâm dưỡng lão

Xã hội - Ngày đăng : 08:14, 02/02/2019

Chiều cuối năm, bà Lưu Thị Dung lặng lẽ trong căn phòng nhỏ, ngồi cẩn thận lấy miếng giấy báo gói từng món quà rồi dán một mảnh giấy nhỏ ghi “Kính gửi đồng chí Sơn, anh Đồng… ở phường Phú Khánh, Thái Bình”...

Một cái Tết không cô đơn nữa lại sắp về với những “cư dân đặc biệt” của Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cơ sở Hà Đông, Hà Nội.

Đây đã là năm thứ ba bà Dung đón Tết tại trung tâm dưỡng lão. Mặc dù không được sum họp cùng con cháu trong giây phút thiêng liêng, nhưng trái với suy nghĩ chung, bà lão chẳng hề thấy buồn. Thậm chí, bà còn bảo: Đây là 3 cái Tết bình yên và đáng sống nhất của mình.

Bà Dung gói gém cẩn thận từng món quà để gửi về Thái Bình cho những người bạn vong niên của mình dịp Tết đến (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)


Bằng chất giọng trầm, bà lão gần 90 tuổi đều đều kể lại quãng đời trước đó. Vốn công tác trong một ngân hàng tại miền quê lúa Thái Bình, tới tận năm 30 tuổi, bà mới lập gia đình với một người đồng nghiệp đã qua một đời vợ. Trớ trêu thay, ngay khi đã tưởng hạnh phúc đâm chồi thì sóng gió lại liên tục ập đến với gia đình nhỏ bé ấy. Cặp vợ chồng không thể có con dù đã chạy chữa nhiều nơi. Chồng bà lại vô tâm, gia trưởng, không đoái hoài gì đến việc đỡ đần, giúp đỡ vợ. Những đắng cay, tủi hờn cứ dần dần tích tụ, đè nặng trĩu lên vai bà.

“Chưa bao giờ ông ấy biết nấu cơm hay dọn dẹp nhà giúp tôi. Nhiều lúc, tôi cứ rấm rứt khóc một mình vì tủi thân. Con cái cũng không có, là người phụ nữ ai chẳng cô đơn?”, bà lão mắt đỏ hoe kể lại.

Trong suốt thời gian này, nhiều lần bà Dung đã định chia tay, nhưng bị mọi người can ngăn nên đành chấp nhận.

Với bà Dung, Tết ở trung tâm dưỡng lão là khoảng thời gian ấm áp nhất sau hàng chục năm đằng đẵng "sống cho người khác".


Nhưng, càng về già, gánh nặng mỗi lúc một lớn hơn. Đỉnh điểm là khi đã 84 tuổi, do sức khỏe đã suy giảm, bà có ý định thuê người phụ việc để đỡ đần nhưng không được chồng đồng ý.

“Nhiều bữa tôi vừa nấu cơm, vừa đau lưng ứa nước mắt. Tôi trước cũng ít khi ốm đau nhưng những lúc ốm đau thì đều tự mình chăm lo cho bản thân và vẫn phải gắng gượng nấu cơm nước”, bà Dung chia sẻ. Bà kể thêm, những lúc đau ốm ấy, muốn nhờ chồng cắm giúp nồi cơm, rửa giúp cái bát nhưng đều không được.

Nhớ lại cái Tết đầu tiên “độc lập”, bà lão móm mém cười. Tết ấy, con cháu bà đón bà về quê nhưng đến tối mùng Một bà nằng nặc đòi vào trung tâm chúc Tết. 

Như giọt nước tràn ly, đến năm 2016, bà Dung quyết định dừng lại ở tuổi…86 như một cách tự giải thoát. Rồi bà xin vào viện dưỡng lão, lặng lẽ sống nốt phần đời còn lại cho riêng mình.

Giờ, khi đã thảnh thơi trong căn phòng bé nhỏ, bà lão vẫn thường tự tủm tỉm cười. Bà bảo, cuộc sống của bà ở trung tâm dưỡng lão cứ lặng lẽ, yên bình và cảm giác thảnh thơi nhiều lắm. Ở đây bà là trường hợp hiếm hoi tự chăm sóc được cho bản thân. Bà tự mình tắm rửa, sinh hoạt, xem tivi… mà không cần sự trợ giúp của những nhân viên tại trung tâm.

“Ở trung tâm quen rồi, về nhà, tôi lại thấy nhớ mấy bà bạn già lẩn thẩn ở bên; nhớ mấy cô bé chăm sóc hằng ngày. Thế nên, khi quay lại vào sáng mùng 2 năm ấy, thật là tôi lại thấy ấm áp hơn, gần gũi hơn”, bà Dung thành thật kể.

Với bà, Tết trong trung tâm dưỡng lão không hề cô đơn. Đó là những ngày vài người bạn tóc bạc ngồi lại với nhau, ôn lại đủ câu chuyện thời thanh xuân, son trẻ của mình; là lời hỏi han: Chân bà đã đỡ đau chưa? Tay ông dạo này có còn nhức nữa không? Đó còn là những sẻ chia về chuyện con cái đi làm ăn xa nơi nào? Chúng nó vất vả mưu sinh ra sao? Những cụ ông, cụ bà trong phút chốc trở thành bạn tâm giao, sẵn sàng bộc bạch cả lòng mình cho người bên cạnh.

“Vui thế đấy, nên từ đó, tôi quyết định sẽ ở lại đây đón Tết luôn cho đầm ấm”, bà Dung móm mém cười hiền.

Cũng giống bà Dung, bà Nguyễn Thị Nguyệt (80 tuổi, Quán Sứ, Hà Nội) cũng cảm thấy thanh thản và bình yên khi đón Giao thừa trong trung tâm dưỡng lão. Mặc dù có con cháu, nhưng bà Nguyệt vẫn quyết định “tá túc” tại ngôi nhà đặc biệt. Bà kể, từ vài năm trở lại đây, sức khỏe đi xuống đã khiến bà không thể đi lại được.

“Nằm mãi nghĩ phiền cháu, phiền con nên tôi nhất quyết xin vào đây. Ít nhất ở đây còn có người bầu bạn, tâm sự”, bà cụ da nhăn nheo nói, trong đôi mắt khẽ ánh lên nỗi buồn.

Cũng giống bà Dung, bà Nguyễn Thị Nguyệt (80 tuổi, Quán Sứ, Hà Nội) cũng cảm thấy thanh thản và bình yên khi đón Giao thừa trong trung tâm dưỡng lão.


Chúng tôi hỏi bà thích ở nhà hay ở đây hơn, bà lão im lặng một lát rồi bảo: “Ở đây thì không thể bằng gia đình được. Nhưng bù lại, con cháu mình cũng đỡ mệt mà mình cũng không cảm thấy quá cô đơn. Quanh tôi, bạn bè mới nhiều lắm chú ạ”. 

Nói về dự định đón Tết, bà Nguyệt cho hay, bà sẽ về nhà vài hôm, chung vui cùng con cháu. Sau đó sẽ trở về trung tâm, quây quần cùng mọi người, bởi: “Quen tiếng nhau rồi. Vắng nhau vài ngày là sẽ nhớ nhau lắm”.

Do có hoàn cảnh đặc biệt khi con mất đã mấy năm nay, kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh; cháu cũng ở nước ngoài nên ông Nguyễn Văn Nghĩa (88 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) quyết định “chuyển khẩu” hẳn vào trung tâm dưỡng lão sinh sống.

“Tôi giờ già rồi, cháu con cũng không ở gần, nếu không vào đây thì buồn lắm. Ở đây lúc nào cũng có người bên cạnh, Tết cũng được hỏi thăm động viên. So với việc lủi thủi ở nhà thì vui hơn nhiều”, ông Nghĩa tâm sự.


“Ở đây lúc nào cũng có người bên cạnh, Tết cũng được hỏi thăm động viên. So với việc lủi thủi ở nhà thì vui hơn nhiều”.


Theo bà Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, riêng Tết năm nay đã có khoảng 90 cụ ở lại đón Giao thừa. Vài năm gần đây, xu hướng người già ăn Tết với trung tâm đang có xu hướng tăng cao khi trung bình mỗi năm có khoảng 70-80% số cụ ở lại.

Bà Ngân cũng cho hay, để đảm bảo cho các cụ có một cái Tết đầm ấm, vui tươi, nhân viên trung tâm đã làm hết sức mình khi chuẩn bị kỹ lưỡng từ cây đào đỏ thắm, cặp bánh chưng xanh và những món quà mang đậm hương vị xuân. Các nhân viên cũng được bố trí ở lại, cùng ăn, cùng ở và chăm sóc các cụ.

Khác với suy nghĩ của nhiều người, Tết trong trung tâm dưỡng lão không phải là cái Tết cô đơn của vài ông bà lão ngồi xe lăn mắt đăm đắm nhớ về gia đình.

Tết nơi đây giống như sân chung một khu tập thể buổi chiều, khi con cháu đi làm chưa về, các ông bà tập trung để thư giãn và sinh hoạt chung. Những câu hỏi han, những lời động viên nhau, những cái nắm tay run run, lấy bấy khiến cho Tết dù ở đâu, vẫn luôn ấm áp và sum vầy.

Khác với suy nghĩ của nhiều người, Tết trong trung tâm dưỡng lão không phải là cái Tết cô đơn của vài ông bà lão ngồi xe lăn mắt đăm đắm nhớ về gia đình.

Theo Vietnamplus