Tư cách của Đảng cầm quyền
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:02, 03/02/2019
Lòng dân - Ý Đảng là một
Ai cũng biết phong trào yêu nước có trước khi Đảng ra đời. Đồng bào có trước đồng chí. Lòng dân có trước ý Đảng. Phong trào yêu nước là phong trào của những đồng bào rất tốt, anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù, lạc quan, tài giỏi, sáng tạo. Chính phong trào yêu nước đó cùng với phong trào công nhân và tư tưởng Hồ Chí Minh dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhân dân sinh thành ra Đảng, nuôi nấng, chở che Đảng, đùm bọc, bảo vệ Đảng. Đặc biệt từ khi có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng và nhân dân gắn bó máu thịt, mật thiết. Dưới ánh sáng khoa học và cách mạng của Đảng, lòng dân được nâng lên một chất mới, trình độ mới.
Cách mạng Tháng Tám thành công là thắng lợi của lòng dân, sức dân, trí dân dưới sự lãnh đạo của một Đảng kiên cường, với đội ngũ mấy nghìn đảng viên chỉ biết đặt lợi ích của Tổ quốc và dân tộc lên trên hết, trước hết. Với lòng tin vào Đảng, nhân dân đã trao quyền hành của mình cho Đảng. Từ đó, Đảng ta có sứ mệnh cầm quyền, duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Đại thắng Điện Biên Phủ và giải phóng miền Nam cũng là thắng lợi nhờ sức mạnh tổng hợp của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, một Đảng kiên định tư tưởng Hồ Chí Minh, biết vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Đó là thắng lợi của trí tuệ, phương pháp, bản lĩnh, văn hóa, đạo đức Việt Nam; thắng lợi của một dân tộc anh hùng, Đảng quang vinh.
Thực tiễn cho thấy, nếu không có nhân dân thì Đảng không đủ lực lượng. Nếu không có Đảng, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên, Đảng với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Đảng ta có quyền tự hào là người kế tục những truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, là người mở đường cho nhân dân ta tiến lên một tương lai rực rỡ. Nói về thắng lợi của cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tất cả những thắng lợi đó không phải là công lao riêng của Đảng ta. Đó là công lao chung của toàn thể đồng bào trong cả nước. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ, thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều. Xây dựng lại đất nước ta đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh, “hơn mười ngày nay” là một công việc rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân
Chủ đề năm 2019 thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân” có ý nghĩa to lớn, vì trong năm 2019 có nhiều sự kiện và hoạt động quan trọng. Năm nay, các tổ chức cơ sở Đảng khởi động tổ chức đại hội, hướng tới Đại hội XIII của Đảng. Tổ chức cơ sở Đảng là nơi gần dân nhất, mọi hoạt động liên quan trực tiếp tới đời sống của nhân dân.
Câu chuyện “dưới lạnh”, thậm chí có nơi tê liệt là nói tới một số tổ chức cơ sở Đảng chưa thật sự tôn trọng nhân dân, mà nặng nhất là chưa quan tâm đến quyền lợi của nhân dân, những điều đã được ghi vào Hiến pháp và pháp luật, được Đảng triển khai qua nhiều nghị quyết, chỉ thị. Vun bồi nền dân chủ, xây đắp văn hóa dân chủ và phát huy dân chủ là điều cốt tủy của việc tôn trọng, chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân. Dân chủ là chìa khóa vạn năng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới. Cách đây hơn 20 năm, tại Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII (6-1997), Đảng đã ra Nghị quyết về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh. Tiếp đó, Chỉ thị 30-CT/TƯ của Bộ Chính trị cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII, coi đây là khâu quan trọng và cấp bách để phát huy dân chủ ở cơ sở.
Qua hơn 20 năm, bên cạnh những kết quả đạt được, với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém. Trong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “... Nhiều nơi còn thực hiện Quy chế dân chủ hình thức, đối phó. Việc công khai các nội dung liên quan ở nhiều địa phương, cơ sở chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin. Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế. Lâu nay, nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ, nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức, có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng...”.
Những căn bệnh đó là muốn làm “quan” chủ mà không muốn dân chủ; muốn đè đầu, cưỡi cổ dân, vác mặt làm quan cách mạng, mà không muốn làm đày tớ dân, phục vụ dân xuất hiện từ sau Cách mạng Tháng Tám đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo, qua hơn 70 năm, vẫn tiếp diễn. Quy chế dân chủ trong thực hiện chính sách về đất đai, đền bù, tái định cư chưa tốt, chưa triệt để, còn nhiều bất cập. Một trong những nguyên nhân cơ bản là “quan” xa dân, không còn ý thức phục vụ nhân dân. Câu chuyện Thủ Thiêm tuy không phổ biến nhưng thật sự đau lòng cho cả nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Địa vị cao nhất là dân”. “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Đảng phải xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”; “lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt”; “Chính phủ là công bộc của dân”; “làm cán bộ là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân”; “được lòng dân, thì việc gì cũng làm được, trái ý dân, thì chạy ngược chạy xuôi”… Chủ đề năm 2019 đúng dịp chúng ta kỷ niệm 50 năm bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (2-1969); 50 năm thực hiện Di chúc của Người; 70 năm bài viết “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” (6-1949) và bài “Dân vận” (10-1949). Đọc lại những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, liên hệ và gắn với thực tế hiện nay, chúng ta vui mừng vì qua hơn 30 năm đổi mới, trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nhưng chúng ta cũng thật sự đau lòng vì một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, có cả cán bộ cấp cao, do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ, một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí cán bộ cấp cao, không viết lên trán, mà phải viết trong tim chữ “cộng sản” thì mới được nhân dân tin tưởng, quý mến. Phải nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam như đồng chí Phạm Văn Đồng nói nhân dịp tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng cách đây tròn 20 năm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (1-1999). Đó chính là một khía cạnh tiêu biểu thuộc tư cách của một Đảng cầm quyền chân chính cách mạng, đạo đức, văn minh.