Đừng để ngày đoàn viên trở thành ly biệt vì bia, rượu!

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:06, 05/02/2019

(HNMO) - Trong những ngày Tết, nhu cầu sử dụng bia, rượu thường tăng cao. Tuy nhiên, lời khuyên được đưa ra là nên hạn chế uống bia, rượu, bởi lạm dụng đồ uống có cồn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây nhiều hệ lụy khác.


Đừng để ngày đoàn viên trở thành ly biệt


Là người làm trong ngành Y tế và luôn đau đáu về bệnh nhân, bác sĩ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đã không ít lần chứng kiến cảnh chia ly của nhiều gia đình mỗi dịp Tết đến Xuân về chỉ vì bia, rượu.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh vẫn còn nhớ như in lần trực Tết gần đây, lúc đó là 1 giờ sáng mồng 2 Tết, Phòng đón tiếp cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức la liệt bệnh nhân trên cáng. Hầu hết bệnh nhân đều còn trẻ và chủ yếu bị tai nạn giao thông hoặc đánh nhau, nhiều bệnh nhân nồng nặc mùi rượu. Tổn thương chủ yếu của các bệnh nhân là chấn thương sọ não, vỡ hàm mặt, gãy tay chân và gãy cột sống.

Nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến bia, rượu, đặc biệt là vào dịp Tết


“Ở góc xa buồng bệnh, một thanh niên gần như biến dạng mặt mũi được nhân viên y tế bóp bóng thở, người mẹ già bơ phờ đứng bóp chân cho con, mắt bà đẫm lệ. Anh trai và bố bệnh nhân tất tả chạy ra chạy vào lo thủ tục, liên tục gặp bác sĩ hỏi tình trạng bệnh. Bệnh nhân đi làm xa về quê ăn Tết, họp mặt với bạn, sau tiệc rượu, chạy xe máy trên đường về thì va chạm với ô tô, hai người trên xe máy bị thương nặng và được chuyển thẳng xuống Bệnh viện Việt Đức”, bác sĩ Trần Quốc Khánh chia sẻ một trong số vô vàn những câu chuyện mà ông từng gặp.

Bác sĩ Khánh cho biết, trường hợp trên bị thương rất nặng, lúc vào viện đồng tử hai bên đã giãn, không còn phản xạ ánh sáng, điểm tri giác về thấp nhất, không còn tự thở, phim chụp cắt lớp cho thấy não của bệnh nhân bị tổn thương phức tạp, máu tụ các vị trí, vỡ nền sọ. Với tổn thương và lâm sàng như vậy, các bác sĩ giải thích cho gia đình và tiên lượng bệnh nhân khó qua được.

Bố bệnh nhân bật khóc như con trẻ, người mẹ đang đứng bóp chân cho con từ xa thấy vậy cũng vội đến bên bác sĩ. Biết con trai khó có cơ hội sống tiếp, bà òa khóc nức nở. Từ lúc con trai bị tai nạn, bà kìm nén và cố gắng không nghĩ về điều khủng khiếp nhất, nhưng rồi nó vẫn cứ xảy đến, bà sẽ mất con mãi mãi...

“Ngày Tết đoàn viên, cậu con trai đi làm xa về đoàn tụ cùng cha mẹ, cũng là ngày cậu từ biệt người thân để ra đi vĩnh viễn”, bác sĩ Trần Quốc Khánh xót xa!

Đặc thù là bệnh viện ngoại khoa, đảm nhận nhiệm vụ điều trị cấp cứu tuyến cuối nên mỗi dịp Tết đến, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được coi là “điểm nóng” trong tiếp nhận và xử lý các ca bệnh nặng. Chỉ tính riêng dịp Tết Dương lịch vừa qua, Phòng cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận thăm khám, cấp cứu cho 378 bệnh nhân. Trong đó, bệnh nhân bị tai nạn là 241 trường hợp. Trong số các ca tai nạn nhập viện, có đến 205 ca nhập viện do tai nạn giao thông với nhiều trường hợp nặng do đa chấn thương, chấn thương sọ não. Điều đáng nói, nguyên nhân các ca tai nạn giao thông chủ yếu liên quan đến bia, rượu.

Ngoài ra, nhiều trường hợp sử dụng phải rượu có chứa cồn công nghiệp Methanol khiến phải nhập viện cấp cứu.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên-Phụ trách Trung tâm Chống độc, tại Bệnh viện Bạch Mai thời điểm trước và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu, bia tăng cao. Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận có trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ Methanol lên đến 687 mg/dL, bệnh nhân tử vong không thể qua khỏi. Không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não… Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nhiều hệ lụy khác


Chấn thương nặng, tử vong sau khi uống rượu, bia-đó là tác hại tức thì khi lạm dụng đồ uống này hoặc uống phải rượu “rởm”. Ngoài ra, lạm dụng bia, rượu còn gây không ít hệ lụy khác.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, có đến 70% đàn ông Việt Nam uống rượu. Điều đáng nói, cứ khoảng 4 người uống rượu thì có 1 người uống ở mức nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe.

Thông tin từ Bệnh viện K, hầu hết những người mắc ung thư gan đều sử dụng rượu, bia, thậm chí là lạm dụng các chất này. Mặc dù không phải ai sử dụng rượu, bia cũng sẽ mắc bệnh, nhưng phần lớn những người bị ung thư gan đều sử dụng khá thường xuyên. Càng uống nhiều, gan càng phải làm việc nhiều nên càng tăng nguy cơ ung thư gan, xơ gan.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh cho biết, rượu làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, cao huyết áp một cách rõ ràng. Rượu cũng làm các thành mạch máu khô và giòn, dễ vỡ hơn. Ngoài ra, rượu còn gây rối loạn nhịp tim và có liên quan đến bệnh cơ tim giãn, một căn bệnh đến nay điều trị còn khó khăn, ngoại trừ ghép tim. Với gan, tụy, rượu giết chết các tế bào gan ngay sau khi uống, rượu làm mất đi cảm giác đói thực sự của cơ thể, vì rượu cung cấp những chất đốt tạo năng lượng cao nhưng không có tác dụng xây dựng cơ thể. Chính điều đó dẫn đến người uống rượu nhiều luôn đối mặt nguy cơ viêm gan, gan nhiễm mỡ và xơ gan.

“Đặc biệt, những ai đang bị viêm gan virus B, C… mà uống rượu thì coi như đang tự sát”, bác sĩ Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, rượu còn làm tăng nguy cơ viêm tụy cấp, một trong những bệnh lý nguy hiểm hàng đầu. Chất uống này làm giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm cho cơ thể luôn dễ bị nhiễm bệnh tật hơn, vì thế, bệnh viêm phổi và lao phổi hay gặp hơn ở những người nghiện rượu. Với ung thư, tỷ lệ người bị ung thư vòm họng, ung thư gan, ung thư thực quản, ung thư dạ dày… tăng cao ở những người nghiện rượu.

“Khi uống rượu mạnh, hệ thống các tế bào niêm mạc đường tiêu hoá sẽ bị bỏng, các tổn thương này kéo dài một thời gian sẽ làm các tế bào bị biến đổi hình thái và cấu trúc, tiền đề sinh ra các tế bào ung thư”, bác sĩ này phân tích.

Hương Thủy