Những lễ hội lớn và đặc sắc nhất ở Hà Nội đầu năm mới
Văn hóa - Ngày đăng : 10:43, 05/02/2019
Lễ hội gò Đống Đa (mùng 5 tháng Giêng)
Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (nhiều người gọi tắt là lễ hội gò Đống Đa) là một trong những lễ hội lớn, truyền thống của Hà Nội, tổ chức vào ngày mùng 5 tháng Giêng. Năm nay, lễ hội kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa mang cấp thành phố, diễn ra từ 8h đến 21h ngày 9-2-2019 (mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Hợi).
Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức vào mùng 5 tháng Giêng hằng năm. |
Tại buổi lễ sẽ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa. Lễ trao Bằng di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa cũng được thực hiện tại buổi lễ.
Phần hội của lễ kỷ niệm gồm các hoạt động nghệ thuật chào mừng, các trò chơi dân gian, diễn ra từ 11h30 đến 21h ngày 9-2-2019.
Bên cạnh hoạt động chính, lễ hội kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa còn có các hoạt động tuyên truyền về Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, thân thế và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ; giới thiệu về di tích lịch sử gò Đống Đa; triển lãm thời kỳ Tây Sơn; tổ chức cho học sinh tiểu học và THCS đến tham quan, học tập tại công viên văn hóa Đống Đa...
Lễ hội chùa Hương (mùng 6 tháng Giêng)
Lễ hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ngày mùng 6 tháng Giêng là khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng Ba. Vào dịp lễ, hàng triệu phật tử cùng du khách 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương, trở thành nét văn hóa đặc sắc vào dịp Tết đến Xuân về.
Lễ hội chùa Hương khai hội vào mùng 6 tháng Giêng hằng năm. |
Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng Giêng đến 18 tháng Hai. Ngày này vốn là ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của địa phương. Đến nay, nghi lễ "mở cửa rừng" hàm chứa ý nghĩa mới - mở cửa chùa.
Mùa lễ hội năm Kỷ Hợi, huyện Mỹ Đức bố trí 4.000 đò hoạt động trên suối Yến để đưa đón khách. Các chủ đò được tập huấn, tuyên truyền về quy tác ứng xử với du khách văn minh, lịch thiệp.
Lễ hội Cổ Loa (mùng 6 tháng Giêng)
Đây là một trong những lễ hội lớn bậc nhất ở Hà Nội, khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến ngày 18 tháng Giêng.
Lễ hội Cổ Loa - một trong những lễ hội đặc sắc của Hà Nội. |
Thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, lễ hội Cổ Loa được xem là lễ hội truyền thống nhằm suy tôn vua An Dương Vương Thục Phán, người đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước. Khi tham dự lễ hội, du khách không chỉ được xem nghi thức đại tế và lễ rước, mà còn được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: Đu quay, đấu vật, chọi gà, bắn nỏ…; tìm hiểu về lịch sử thành Cổ Loa và truyền thuyết An Dương Vương - Mỵ Châu - Trọng Thủy...
Lễ hội Gióng đền Sóc và lễ hội Gióng Phù Đổng
Lễ hội Gióng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là một trong những lễ hội độc đáo, đặc sắc của Hà Nội bởi những nghi lễ cổ xưa nhằm tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Lễ hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. |
Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Đây là hai lễ hội Gióng có sức thu hút nhất của Hà Nội. Ngoài ra, còn hơn 10 hội Gióng khác được tổ chức trên địa bàn Hà Nội (gọi là vùng lan tỏa vì chưa được UNESCO công nhận) như: Hội Gióng Bộ Đầu ở huyện Thường Tín; lễ hội thờ Thánh Gióng ở các làng Đặng Xá, Lệ Chi (huyện Gia Lâm); các làng Phù Lỗ Đoài, Thanh Nhàn, Xuân Lai (huyện Sóc Sơn); Sơn Du, Cán Khê (huyện Đông Anh); Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm); làng Hội Xá (quận Long Biên).
Giá trị nổi bật toàn cầu ở hội Gióng chính là một hiện tượng văn hóa được bảo lưu, trao truyền qua nhiều thế hệ.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng – Mê Linh (mùng 6 tháng Giêng)
Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", sau khi Hai Bà Trưng tạ thế, nhân dân ở nhiều nơi đã lập đền thờ để ghi nhớ công đức của Hai Bà. Trong số 103 nơi thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh ở 9 tỉnh, thành phố trong cả nước, huyện Mê Linh có tới 25 di tích ở 13 xã.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng |
Trong đó, đền Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh có ý nghĩa quan trọng, bởi ở đây không chỉ là nơi lưu dấu thiêng về 2 vị nữ anh hùng thời thơ ấu, mà còn là nơi chuẩn bị khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Lễ rước bắt đầu từ đền, kiệu Trưng Trắc đi trước, ra đến đường kéo quân để về đình làng thì kiệu Trưng Trắc né sang để kiệu Trưng Nhị đi trước. Đến cổng đình, kiệu chị đi trước, kiệu em đi sau. Hai bên nghênh đón hai Vua Bà, với ý nghĩa tượng trưng Vua từ kinh đô Mê Linh về thăm làng.
Bên cạnh nghi lễ rước kiệu, lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức gồm nhiều phần theo nghi lễ Nhà nước và địa phương như dâng hương, tế lễ. Ngoài ra, lễ hội còn có những hoạt động dân gian truyền thống, diễn xướng lại chiến tích oai dũng năm xưa của Hai Bà để tưởng nhớ cũng như tạo ra nét đặc sắc cho du khách tìm hiểu.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh - Ba Vì (Từ 13 đến 15 tháng Giêng)
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức rộng khắp vùng xứ Đoài, đặc biệt là tại cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ thuộc địa phận xã Minh Quang và xã Ba Vì. Đền Thượng còn gọi là Chính cung Thần Điện.
Lễ hội Tản Viên - Sơn Thánh (Ba Vì) được xây dựng trở thành lễ hội vùng. |
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức với quy mô lớn. Từ trước ngày chính lễ 14 và 15 tháng Giêng, đã có nhiều hoạt động văn hóa diễn ra mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, Dao.
Ngày 30-1-2018, Bộ VHTT&DL đã có Quyết định số 266/QĐ-BVTT công nhận “Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh tại cụm di tích đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, huyện Ba Vì là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Lễ hội Võng La (Từ 13 đến 15 tháng Giêng)
Lễ hội Võng La tổ chức từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng hằng năm, tại đình Đại Độ, làng Đại Độ, xã Võng La, huyện Đông Anh. Lễ hội nhằm suy tôn Ngũ vị Tôn Thần: Quốc Công Đại Vương và Lã Nương phu nhân Đại Vương cùng ba người con là Linh Khổn (Đệ Nhất Linh Tố Đại Vương), Minh Chiêu (Đệ Nhị Linh Tố Đại Vương) và Cung Mục (Đệ Tam Linh Tố Đại Vương).
Trong những ngày lễ hội, diễn ra rất nhiều trò chơi, hoạt động văn hóa như: Múa sư tử, múa sênh tiền, hát quan họ, hát chèo, hát văn, thi cờ tướng, chọi gà, đu tre, đá bóng, bóng chuyền…
Lễ hội làng Lệ Mật (ngày 23 tháng Ba)
Lễ hội làng Lệ Mật. |
Lễ hội làng Lệ Mật diễn ra vào ngày 23 tháng Ba tại làng Lệ Mật, xã Việt Hưng, Gia Lâm, Long Biên, Hà Nội.
Lễ hội nhằm tưởng nhớ Hoàng Đức Trung – Thành Hoàng Lệ Mật, người đã có công lập ra 13 trang trại tây thành Thăng Long, cho tới nay vẫn được duy trì (thuộc quận Ba Đình ngày nay).