Thăm tàu phá băng nguyên tử đầu tiên của thế giới
Hồ sơ - Ngày đăng : 11:43, 06/02/2019
Ảnh minh hoạ |
Điểm đến ấn tượng
Một trong những điểm đến ấn tượng nhất và cũng là biểu tượng của TP Murmansk, thu hút đông đảo khách du lịch chính là con tàu phá băng nguyên tử mang tên Lênin.
Hôm chúng tôi đến Murmansk, tuyết rơi dày khiến cho con tàu có màu sơn đen chủ đạo trở nên nổi bật giữa một không gian rộng lớn trắng xóa. Khá đông công nhân phải vất vả dọn tuyết để lấy lối đi dẫn tới cầu tàu. Anh Roman Muravitskiy, hướng dẫn viên của Công ty Aurora, một đơn vị du lịch địa phương hóm hỉnh: “Thành phố lớn nhất thế giới nằm ngoài vòng cực này hầu hết thời gian trong năm là mùa đông, có những năm cả 12 tháng đều là mùa đông, còn lại là các mùa khác”.
Từ cầu tàu, chỉ qua một khung cửa nhỏ, chúng tôi đã chính thức bước lên con tàu phá băng nguyên tử đầu tiên của thế giới. Nhân viên yêu cầu mọi người tuân thủ theo hướng dẫn bởi rất dễ bị lạc và sẽ khó có thể cảm nhận được hết giá trị của con tàu từng một thời được coi là niềm kiêu hãnh của Hải quân Liên Xô.
Mà đúng là không có người dẫn đường chắc chắn sẽ lạc lối bởi con tàu giống như một mê cung gồm 14 tầng với khoảng 1.000 phòng chức năng khác nhau được kết nối bằng những dãy hành lang nhỏ hẹp và dài hun hút. Nằm ở trung tâm là phòng họp của các sĩ quan cấp cao. Bây giờ đã trở thành viện bảo tàng, nhưng thỉnh thoảng phòng họp này vẫn được dùng cho các cuộc họp quan trọng của chính quyền TP Murmansk. Ngoài ra, nó còn có thêm nhiệm vụ khác là phục vụ các hoạt động nghiên cứu về nguyên tử do Viện Nghiên cứu Nguyên tử nước Nga thực hiện.
Sát ngay cạnh phòng họp là phòng hòa nhạc. Ở đây có một cây đàn piano được sản xuất và hoàn thành đúng vào ngày khánh thành con tàu phá băng (3-12-1959). Những bức ảnh và hiện vật được bài trí tại hai căn phòng này cho thấy những nhân vật nổi tiếng nào đã từng đến đây tham quan. Đó là nhà du hành vũ trụ huyền thoại Yuri Alekseievich Gagarin, người đầu tiên bay vào không gian, mở đầu cho kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của nhân loại; là lãnh tụ cách mạng, Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Ngoài ra còn có Nhà vua Na Uy, Thủ tướng của Phần Lan và nhiều lãnh đạo, nguyên thủ một số quốc gia trên thế giới... Phòng hòa nhạc cũng từng đón rất nhiều nhà soạn nhạc, ca sĩ nổi tiếng của nước Nga đến đây biểu diễn.
Trên tàu còn có phòng hút thuốc, phòng tắm hơi, thư viện và các phòng ngủ dành cho thủy thủ đoàn. Nội thất được làm từ gỗ bạch dương Karelski (lấy từ các cánh rừng ở phía Bắc Liên Xô) và gỗ hồ đào Kapkaz (phía Nam Liên Xô). Gần với phòng điều khiển là phòng nghiên cứu. Tại đó có các hải đồ vùng biển Barent; khu vực quan sát và phân tích hệ thống sinh học và các loại động, thực vật của vùng biển Bắc Cực...
Trong một căn phòng rộng được bố trí là phòng ăn của thủy thủ đoàn, các bộ bàn ghế được kê vuông vắn giống như nhà ăn ở các đơn vị quân đội. Góc phòng có thang máy nhỏ rộng chừng hơn 1,5m2 chạy bằng ròng rọc dùng để vận chuyển thực phẩm. Theo lời giới thiệu, ban đầu khi tàu mới đi vào hoạt động, mỗi bữa phục vụ 236 sĩ quan và thủy thủ. Sau khi tàu vận hành ổn định thì còn khoảng 180 người. Tại đây, từ sĩ quan chỉ huy cho đến thủy thủ đều dùng suất ăn giống nhau, không có sự phân biệt. Mỗi tuần có 3-4 buổi tối chiếu phim ngay tại phòng ăn này bằng máy chiếu.
Trên con tàu có góc riêng để trưng bày một kỷ vật đặc biệt, đó là ngọn đuốc được rước từ Bắc Cực xuống con tàu trước đúng 100 ngày diễn ra Thế vận hội mùa Đông ở TP Sochi của nước Nga vào năm 2014. Đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất Nga được chọn đăng cai một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này.
“Điều tuyệt vời nhất là tất cả các hiện vật trên tàu đều còn nguyên trạng, từ cây đàn piano, những bộ cờ vua, lò sưởi, ngọn đuốc cho đến các tấm gỗ trang trí trong các phòng...” - anh Roman Muravitskiy, hướng dẫn viên du lịch của Công ty Aurora (Nga) cho biết.
Niềm kiêu hãnh của Hải quân Liên Xô
Để có được con tàu nguyên tử phá băng đầu tiên này, khoảng 300 xí nghiệp công nghiệp, viện nghiên cứu khoa học Liên Xô được huy động tham gia vào quá trình đóng tàu. Mọi công việc được tiến hành ngoài trời vì không có một xưởng đóng tàu nào lúc đó có đủ không gian để chứa một con tàu lớn như vậy. Dự án này đặc biệt cần thiết bởi lẽ các tàu phá băng sử dụng động cơ diesel tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu nên hiệu quả thấp, trong khi tàu phá băng nguyên tử có thể vận hành trên biển trong khoảng thời gian gần như không hạn chế.
Việc phá vỡ được những tảng băng dày giúp khai thông tuyến đường hàng hải suốt từ biển Barent kéo dài lên Bắc Cực. Nếu không có tàu phá băng, những con tàu vận tải hàng hóa sẽ phải đi vòng xa hàng nghìn hải lý, rất mất thời gian và tốn nhiều chi phí. Việc phá băng còn giúp hoạt động đánh bắt hải sản của vùng Murmansk được thuận lợi.
Tàu Lênin dài 134m, chiều cao từ đáy cho đến nóc là 46m, chiều ngang 23m. Tổng trọng tải 19.000 tấn, có chỗ đỗ trực thăng. Với 44.000 mã lực, tốc độ lớn nhất của con tàu có thể đạt tới 17 hải lý/giờ, tương đương 33 cây số/giờ trong điều kiện bình thường (không phải trên băng). Dẫn chúng tôi xuống khoang máy, một sĩ quan hàng hải khởi động máy. Tiếng máy vang lên như tiếng rít của máy khoan đang khoan thẳng vào những khối đá lớn.
Anh sĩ quan này cho biết, có hai hệ thống máy như vậy, đặt ở chính giữa con tàu. Máy sẽ dùng hơi nước quay tuốc bin để làm nóng dòng nước ở phía dưới và quá trình quay tuốc bin tạo ra dòng điện truyền vào một máy khác. Khi máy phát điện hoạt động cùng với tuốc bin quay thì khắp khoang máy vang lên những tiếng ù ù mạnh mẽ giống như con tàu đang tràn lên đè lớp băng dày xuống dưới bụng của nó.
“Con tàu này có thể phá những lớp băng dày 2m, những con tàu sau này hiện đại hơn có thể phá những lớp băng dày tới 3,5m. Trong suốt 30 năm đảm nhiệm "sứ mệnh lịch sử" cho đến khi chính thức “nghỉ hưu”, tàu Lênin đã đi được 654.400 hải lý, qua gần 4.000 vùng biển. Trong đó riêng đoạn đi trên băng là hơn 560.600 hải lý, bằng 30 lần vòng tròn trái đất và đã dẫn 3.741 tàu các loại đi qua các lớp băng của Vùng Cực. Đây cũng là chiếc tàu đầu tiên trên thế giới hoạt động trên biển Vùng Cực suốt 13 tháng liên tục. Nga là quốc gia đi đầu thế giới trong việc nghiên cứu, chế tạo tàu phá băng nguyên tử. Tổng cộng, Nga có 9 chiếc, hầu hết được sản xuất ở TP St.Petersburg. Hiện, 4 chiếc vẫn đang hoạt động, 5 chiếc khác đã hoàn thành "sứ mệnh", nhưng con tàu đang neo đậu ở Murmansk vẫn là nổi tiếng nhất” - anh sĩ quan hàng hải tự hào cho biết.
Sau khi hoàn thành sứ mệnh, giới chức hải quân Nga đã có kế hoạch thanh lý, phá dỡ tàu phá băng Lênin. Tuy nhiên, các cựu thủy thủ của con tàu đã phản đối quyết liệt và cuối cùng họ đạt được điều mình muốn. Để đến bây giờ, nó trở thành một phần của lịch sử Liên Xô và nước Nga.