"Mùng 3 tết Thầy" và mối quan hệ thầy trò…
Giáo dục - Ngày đăng : 08:35, 07/02/2019
Hình ảnh và tầm quan trọng của người thầy được người xưa thể hiện rất rõ qua những câu thành ngữ như “Muốn sang phải bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu quý thầy”, “Không thầy đố mày làm nên” hay “Vi sư bản tri quốc”… Có thể thấy rằng, vai trò của người thầy trong xã hội xưa luôn được đặt lên hàng đầu. Người thầy ngày xưa không chỉ gói gọn trong dạy chữ mà còn là người dạy nghề như nghề may, nghề mộc, nghề thuốc…
Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt từ ngày xưa vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay. |
Người thầy không chỉ có kiến thức uyên thâm truyền thụ lại cho học trò mà còn phải có nhân cách cao đẹp, phẩm chất đạo đức chuẩn mực, cách sống không vụ lợi, không chuộng hư danh, trong sáng, giản dị… Trong cách đối xử thường nhật, thầy là người không sợ uy quyền, đối xử công bằng với học trò, tình cảm thầy trò chân tình như cha con ruột thịt. Còn trong tâm thức cộng đồng, người thầy hiện lên như một hình mẫu về đạo đức lối sống, tri thức và uy tín cá nhân để mọi người vươn tới. Thầy được coi như những vị quân sư để họ gửi gắm, tin tưởng về lẽ phải và sự công bằng trong cuộc sống hằng ngày.
Chính vì lẽ đó, từ xưa đến nay, mỗi độ Tết đến xuân về, người Việt luôn truyền nhau câu thành ngữ “Mùng một tết Cha, mùng hai tết Mẹ, mùng ba tết Thầy” để thể hiện thứ tự tôn kính, biết ơn đối với những người đã sinh thành và dạy dỗ. Vào ngày mùng 1 của năm mới, vợ chồng con cái, anh chị em ruột thịt sẽ tập trung bên nội để cúng bái gia tiên và chúc Tết ông bà, tỏ lòng thành kính. Mùng 2, vợ chồng, con cái, anh chị em cũng sang bên đàng ngoại thăm hỏi và chúc Tết.
Xã hội ngày xưa dành ngày mùng 3 để học trò đến chúc Tết thầy, vì vậy vào ngày mùng 3 Tết, trong ngôi nhà của người thầy luôn nhộn nhịp và rộn rã những lời chúc Tết, chuyện trò giữa thầy và trò. Ngày tết Thầy được coi trọng không thua kém ngày tết Cha, tết Mẹ, vì thế, dù người có chức quan to đến cỡ nào, đường xa cách trở đến đâu, vào ngày mùng 3 Tết, người học trò cũng lặn lội đến chúc Tết thầy. Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn đến thầy, ngoài những lời chúc sức khỏe, người học trò khi đến thăm thầy còn mang theo những món quà như hoa quả, bánh trái hay đặc sản của địa phương để biếu thầy. Những câu chuyện giữa thầy và trò trong ngày đầu xuân càng làm cho tình thầy trò thêm khăng khít hơn.
Thời nay, có thể thấy hình ảnh học trò đến chúc Tết thầy vào ngày mùng 3 đã không còn nhiều như xưa, có chăng chỉ là những lứa học trò ở thế hệ trước 8X. Có phải truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt đang bị mai một và vai trò của người thầy trong xã hội cũng không còn được như xưa?
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP Hồ Chí Minh) cho biết, người thầy trong xã hội xưa dường như là người duy nhất truyền thụ kiến thức trực tiếp cho trò, người thầy ngày xưa cũng như một người “bề trên”, những lời nói và yêu cầu của thầy được học trò răm rắp nghe theo. Còn người thầy ngày nay, không đơn thuần là truyền thụ kiến thức cho học sinh theo một chiều “thầy giảng, trò nghe” mà còn là người hướng dẫn, gần gũi với học trò hơn, giúp học trò lĩnh hội được tri thức qua những phương pháp dạy học tích cực. Có thể thấy, dù ở xã hội nào, người thầy cũng giữ một vị trí rất quan trọng và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt vẫn được gìn giữ cho đến nay.
Bàn về phong tục Tết thầy, thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ: “Để thể hiện sự tôn kính đối với người thầy, người xưa đã dành ra ngày mùng 3 tết Thầy. Đây là một nét đẹp văn hóa hết sức cao cả, mang một giá trị vô cùng đặc biệt và cho đến bây giờ, nét văn hóa cao đẹp ấy vẫn được các thế hệ học trò lưu giữ và tiếp nối. Tuy nhiên, sự tôn kính, biết ơn của người học trò đối với người thầy cũng được thể hiện theo nhiều hình thức khác để phù hợp với sự phát triển, thay đổi của xã hội. Ngày xưa, vì không có phương tiện truyền thông nên học trò phải vượt đường sá xa xôi đến nhà thầy chúc Tết và để đáp lại tấm lòng của người học trò, người thầy cũng ngồi chuyện trò với học trò. Còn ngày nay, cùng với sự phát triển phương tiện truyền thông, mạng xã hội, sự trân quý của học trò dành cho người thầy còn thể hiện qua tin nhắn, qua những cuộc điện thoại hay những bức thiệp điện tử chúc Tết, qua mạng xã hội... Điều đó, cũng làm cho những người “đưa đò” cảm thấy ấm lòng trong ngày xuân”.
Có thể thấy rằng, dẫu tết Thầy thời nay có nhiều thay đổi, nhưng trong tâm thức mỗi người Việt, nhớ về người thầy trong những ngày vui Tết là truyền thống không bao giờ mai một. Giáo sư Phan An, nhà nghiên cứu về văn hóa tộc người - nhân học, chia sẻ: “Bao nhiêu năm nay, vào những ngày lễ Tết, học trò vẫn đến thăm hỏi và chúc Tết tôi. Tuy học trò không còn đến nhà chúc Tết thầy nhiều như ngày xưa, cũng không còn gói gọn trong ngày mùng 3 mà có thể trước Tết, hoặc sang ngày mùng 4, mùng 5… nhưng truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt vẫn được gìn giữ và phát huy cho đến thời nay”.
Giáo sư Phan An cũng nhìn nhận, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” là nét văn hóa tốt đẹp của người Việt cần được phát huy. Để nét đẹp truyền thống đó tiếp tục được phát huy trong thời đại ngày nay thì đòi hỏi người thầy bên cạnh việc không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức phù hợp với nhu cầu phát triển xã hội, thì cần phải có một lối sống đạo đức “chuẩn mực”.
Thầy Huỳnh Thanh Phú cũng cho rằng, dù thời đại phát triển nhanh, nhưng không vì thế mà bỏ qua những chuẩn mực đạo đức cơ bản của con người. Công nghệ dù có hiện đại bao nhiêu thì vẫn cần phải giữ được giá trị cốt lõi của con người. Trong nhà trường, quan trọng nhất vẫn là mối quan hệ giữa thầy và trò. Thầy thương trò, trò kính thầy thì môi trường đó mới đúng là môi trường giáo dục an lành. Để làm được điều này thì thầy cô trong nhà trường phải thay đổi cách giao tiếp với học sinh, chia sẻ với học sinh bằng chính tình thương của mình, đồng thời trong cuộc sống, đối nhân xử thế, người thầy phải là một tấm gương cho các em học tập.