Nét đẹp truyền thống hiếu nghĩa

Xã hội - Ngày đăng : 07:39, 09/02/2019

(HNM) - Vào mỗi dịp xuân về, các địa phương, dòng họ, con cháu lại tổ chức mừng thọ người cao tuổi nhằm thể hiện sự kính trọng, lòng biết ơn đối với ông, bà, cha, mẹ. Đây còn là truyền thống hiếu nghĩa, là nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt Nam.


Xuân này, với bà Nguyễn Thị Sắt (thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm) là mùa xuân có ý nghĩa trong cuộc đời bởi vừa tròn 100 tuổi nhưng bà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Vinh dự được Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân đến tận nhà trao Thiếp mừng thọ 100 tuổi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, quà Tết của huyện, bà Nguyễn Thị Sắt xúc động chia sẻ: “Mừng thọ 100 tuổi, tôi nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, con cháu tề tựu đông đủ là món quà tinh thần có ý nghĩa nhất để tôi tiếp tục sống vui, sống khỏe”.

Tại xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn), việc mừng thọ người cao tuổi được lãnh đạo xã tổ chức vào những ngày cuối tháng Chạp năm Mậu Tuất 2018. Vừa được chúc thọ, ông Nguyễn Văn Long, thôn Thắng Trí, chia sẻ: “Lễ mừng thọ được xã tổ chức rất trang trọng, ý nghĩa. Chúng tôi rất vui bởi nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và hứa sẽ sống gương mẫu để con cháu noi theo”.

Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Sóc Sơn Ngô Bích Sen cho biết, tổ chức mừng thọ là việc làm thường xuyên của các địa phương trong huyện nhằm tôn vinh người cao tuổi. Toàn huyện có 5 xã, thị trấn tổ chức mừng thọ theo quy mô xã, các địa phương còn lại tổ chức theo quy mô thôn, từ ngày mùng 4 đến mùng 6 Tết, bảo đảm tiêu chí ấm cúng, trang trọng, tôn vinh người cao tuổi.

Năm nay, quận Thanh Xuân có 3.634 người cao tuổi được mừng thọ, trong đó có 18 người tròn 100 tuổi trở lên. Việc tổ chức mừng thọ được quận hướng dẫn cụ thể đến từng khu dân cư, tổ dân phố. Theo đó, lễ mừng thọ diễn ra tại nhà văn hóa các khu dân cư với sự tham gia của lãnh đạo phường, tổ dân phố, bà con lối xóm.

Chị Nguyễn Thùy Linh, tổ dân phố số 2, phường Thanh Xuân Bắc cho biết: “Năm nay, mẹ tôi được tổ dân phố tổ chức mừng thọ 85 tuổi, con cháu, bà con lối phố tề tựu đông đủ chúc thọ bà khiến cả gia đình đều vui. Theo tôi, việc tổ chức mừng thọ là nét đẹp văn hóa cần được trân trọng, lưu giữ”.

Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) Nguyễn Đức Hạnh cũng cho biết: Tết Kỷ Hợi năm nay, phường có khoảng 400 người cao tuổi được tổ chức mừng thọ. Để động viên tinh thần người cao tuổi, UBND phường, Hội Người cao tuổi sẽ tổ chức mừng thọ tại nhà văn hóa của phường vào ngày mùng 9 Tết. Ngoài ra, các chi hội đều tổ chức mừng thọ người cao tuổi trong dịp trước và sau Tết…

Nhiều năm qua, công tác chăm sóc người cao tuổi cả về đời sống vật chất và tinh thần luôn được TP Hà Nội và các địa phương đặc biệt quan tâm. Hoạt động mừng thọ được thành phố duy trì đều đặn hằng năm là bằng chứng sinh động nhất.

Bà Dương Tuyết Nhung, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội cho biết, tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, toàn thành phố có 490 người cao tuổi được Chủ tịch nước tặng thiếp mừng thọ và tặng quà; 6.500 cụ tròn 90 tuổi được Chủ tịch UBND thành phố tặng thiếp mừng thọ, quà. Ngoài tiền mừng thọ được trích từ ngân sách nhà nước, nhiều địa phương của Thủ đô đã vận động xã hội hóa được những phần quà có giá trị động viên tinh thần người cao tuổi trong lễ mừng thọ.

Lễ mừng thọ mỗi dịp Tết đến, xuân về không chỉ mang niềm vui đến cho người cao tuổi, là hoạt động gắn kết tình nghĩa xóm giềng mà còn giáo dục cho thế hệ trẻ kính trọng người trên, trân trọng truyền thống gia đình và quan tâm, chăm sóc người cao tuổi tốt hơn. Việc mừng thọ, một lần nữa, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; đồng thời phát huy vai trò “cây cao bóng cả” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội, động viên người cao tuổi sống vui, sống khỏe.

Hiền Phương