Ém quân, bung sức vượt đỉnh!
Thể thao - Ngày đăng : 08:37, 10/02/2019
Kế sách hợp lý
Tại SEA Games 29-2017, cả hai tấm Huy chương vàng đường chạy cự ly 800m nam, nữ đều thuộc về 2 tuyển thủ điền kinh quốc gia người Nam Định là Dương Văn Thái, Vũ Thị Ly. Vậy nên tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII-2018, không mấy ai nghĩ ngôi vàng quốc nội ở nội dung này sẽ đổi chủ.
Thầy trò huấn luyện viên Nguyễn Chí Đông. |
Thế nhưng, Hà Nội đã giành trọn 2 Huy chương vàng nội dung 800m tại Đại hội. 2 Huy chương vàng thuộc về Trần Văn Đảng (sinh năm 2000) với 1 phút 50 giây 22 và Khuất Phương Anh (sinh năm 1997) với 2 phút 05 giây 89, phá kỷ lục của Đại hội.
Nói về cú đúp Huy chương vàng này, huấn luyện viên Nguyễn Chí Đông chia sẻ: "800m chỉ tương đương 2 vòng chạy, mọi sự diễn biến rất nhanh nên phải phối hợp đồng đội rất kỹ, nếu không thua nửa người khi về đích cũng mất Huy chương vàng. Vì vậy, chúng tôi phải nghiên cứu các clip chạy của Dương Văn Thái và Vũ Thị Ly để có kế sách phù hợp. Thái, nổi tiếng bứt tốc rút đích 200m cuối rất giỏi, nên Hà Nội phải bố trí Phạm Bình Linh (sinh năm 2000) chạy thật nhanh để "đốt sức" của Thái ngay từ vòng đầu, nhờ đó Trần Văn Đảng vừa qua tuổi 17 "bẻ gãy sừng trâu" mới có thể đua bứt tốc với Dương Văn Thái".
Khuất Phương Anh từng xếp sau Vũ Thị Ly, giành Huy chương bạc tại SEA Games 29-2017, nên việc qua mặt đàn chị lần này không quá ngỡ ngàng.
Thế nhưng, với nhiều nhà chuyên môn, cái tên Trần Văn Đảng thực sự rất mới, bởi như huấn luyện viên Nguyễn Chí Đông cho biết: "Trần Văn Đảng tập nội dung này đã 4 năm, nhưng Hà Nội ém quân, không cử tham dự các giải lớn để em có đủ thời gian vào độ chín điểm rơi phong độ. Mới 18 tuổi, việc Đảng vượt qua tuyển thủ nổi tiếng Dương Văn Thái thực sự rất tuyệt vời. Cả Trần Văn Đảng và Khuất Phương Anh đều rất giàu tiềm năng cho việc chinh phục Huy chương vàng SEA Games 30-2019 và xa hơn là SEA Games 31-2021 khi Hà Nội là chủ nhà".
Bền bỉ đầu tư
Từng vô địch cự ly 5.000m, 10.000m, chủ nhân kỷ lục marathon quốc gia với 2 giờ 21 phút 53 giây hiện vẫn chưa được phá và giành nhiều huy chương SEA Games, nhưng điều tuyệt vời nhất đối với Nguyễn Chí Đông lại đến khi theo nghiệp huấn luyện. 10 năm gắn với công việc tuyển chọn hạt nhân năng khiếu, 4 năm âm thầm đào tạo chuyên sâu cho tổ chạy trung bình với những tháng ngày triền miên tập huấn tại Trung Quốc, đến nay, riêng với nội dung 800m, Nguyễn Chí Đông đã có trong tay 6 vận động viên trẻ (3 nam, 3 nữ) đạt trình độ ổn định ở mức cạnh tranh huy chương SEA Games.
Anh chia sẻ: "Cái may của tôi là được làm việc với những nhà quản lý và chuyên môn giỏi của Hà Nội. Họ hiểu nghề, hiểu việc, giàu tâm huyết, sẵn sàng đầu tư bền bỉ, dài hơi, không đốt cháy giai đoạn, không ép vận động viên phải chạy theo thành tích, ép giành huy chương mới được đầu tư. Nhờ vậy, chúng tôi mới có thể đào tạo nên một lứa trẻ đang vào độ phát triển mạnh nhất như vậy".
Cựu tuyển thủ vô địch quốc gia và SEA Games Nguyễn Chí Đông được phát hiện năng khiếu điền kinh từ Giải chạy Báo Hànộimới năm 1993, khi ấy Đông mới đang học trung học cơ sở. Từ cấp trường, cấp huyện, lên đến thành phố, qua các kỳ giải, đến năm 1996, Đông được huấn luyện viên kỳ cựu Đỗ Văn Soát chọn vào đội tuyển Hà Nội, sau đó được thầy Bùi Lương huấn luyện trong đội tuyển quốc gia.
Anh đánh giá: "Mô hình Giải chạy Báo Hànộimới thực sự quý giá để tìm kiếm tài năng, và nay tôi vẫn coi đây là một trong các mỏ khai thác hạt nhân năng khiếu trong công tác huấn luyện".
Trong làng điền kinh Việt Nam, Nguyễn Chí Đông nổi tiếng là người có thể khắc phục mọi sở đoản để vươn lên đỉnh cao nhất. Không phàn nàn về cái khó, cái khổ khi theo nghiệp, Nguyễn Chí Đông chia sẻ giản dị: "Những năm 1996-1997 tôi theo tập, đến đôi giày chạy, quần áo còn chẳng đủ, vậy mà tôi và đồng đội vẫn vượt qua tất cả. Nay vận động viên được đãi ngộ chế độ ăn, tập, học văn hóa đầy đủ, bản thân tôi làm công tác huấn luyện tuy mức lương chưa đến chục triệu đồng/tháng, nhưng cũng đủ để chuyên tâm làm nghề. Theo nghiệp thể thao, giàu nhất là sức khỏe - và cái đó là vô giá".