Điểm mấu chốt

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:22, 11/02/2019

(HNM) - Xuất khẩu là một trong những “điểm sáng” của ngành Nông nghiệp nước ta năm 2018. Xét về giá trị, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 40 tỷ USD. Xét về thị trường, nông sản Việt đã có mặt tại hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Xét về vị thế quốc gia trên bản đồ xuất khẩu nông sản toàn cầu, Việt Nam hiện đứng thứ 15.


“Điểm sáng” này càng đáng nói ở chỗ, “dư địa” vẫn còn nhiều. Trong đó, nhiều ngành hàng, lĩnh vực có nhiều tiềm năng chưa được phát huy hết. Đặc biệt, trong tương quan với những nước mạnh về nông nghiệp, đang nắm giữ các ưu thế về công nghệ như Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Israel… con số hơn 40 tỷ USD thể hiện sự nỗ lực không nhỏ giữa một môi trường nhiều cạnh tranh. Một điều đáng nói nữa là hầu hết thị trường nhập khẩu (nông sản Việt) đều áp dụng các hàng rào kỹ thuật hết sức khắt khe.

Tuy nhiên, “căn bệnh” trong suốt một thời gian dài của xuất khẩu nông sản, dù đã từng bước được cải thiện song vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng là: Xuất thô, nhập thành phẩm. Khi chủ yếu xuất thô, người làm nông nghiệp nước nhà, từ khâu sản xuất trực tiếp đến đơn vị xuất khẩu chỉ thu được một phần không đáng kể lợi nhuận. Nếu như “căn bệnh” này được khắc phục, chắc chắn lĩnh vực xuất khẩu sẽ “sáng” hơn nữa, đồng thời vị thế quốc gia trên bản đồ xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục được cải thiện. Và tất nhiên, người nông dân vốn thường phải “một nắng, hai sương” sẽ bớt nhọc nhằn hơn, cũng như cả họ lẫn nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn, tương xứng với công sức và đầu tư.

Nâng cao giá trị gia tăng trong các ngành hàng nông sản xuất khẩu chính là điểm mấu chốt để xuất khẩu nông sản đạt những cột mốc mới, tương xứng với tiềm năng sẵn có và kỳ vọng đặt ra.

Trước hết, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục thực hiện tốt việc đầu tư cho một số ngành hàng chủ lực như gạo, cà phê, cá tra, đồ gỗ... đặc biệt là nhóm ngành hàng thuộc “Câu lạc bộ trên 1 tỷ USD”. Quá trình đầu tư bắt đầu từ vùng nguyên liệu đến cơ sở bảo quản - chế biến, sản xuất thành phẩm mà ngay từ khâu canh tác, nuôi trồng đã phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với các cam kết quốc tế Việt Nam đã ký kết nói riêng, cũng như thị trường nhập khẩu nói chung.

Thứ hai, việc đầu tư cho hạ tầng, dây chuyền công nghệ bảo quản, chế biến nông sản xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế là việc cấp thiết phải làm. Bài học từ sự thua thiệt do không chú trọng các yếu tố này, ngay cả so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... đến giờ vẫn còn nguyên tính thời sự.

Thứ ba, để nâng cao giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản xuất khẩu, xây dựng thương hiệu là điều không phải bàn cãi. Rất đáng tiếc khi vẫn nhiều sản phẩm ở không ít ngành hàng nông sản xuất khẩu hiện diện tại thị trường nước ngoài lại theo kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, tức là nguyên liệu thô do người nông dân Việt Nam sản xuất nhưng nhãn mác, tên thành phẩm lại của nước ngoài. Điều này phản ánh sự tất yếu của quan hệ xuất - nhập khẩu toàn cầu nhưng cũng phần nào cho thấy sự yếu kém, hệ lụy của “căn bệnh” xuất thô kéo dài.

Thực tế thời gian qua, không ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã xây dựng mô hình khép kín, bao gồm canh tác, chăn nuôi - bảo quản, chế biến - sản xuất thành phẩm với thương hiệu, nhãn mác (có sự đầu tư quảng bá tương xứng).

Đây là những bước đi đầu tiên rất đáng được tham khảo, nhân rộng mà trong quá trình này, liên kết “năm nhà” (nhà nông, nhà băng - ngân hàng, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước) vẫn là yêu cầu vừa có tính tất yếu vừa đang rất cần được tháo gỡ những nút thắt gây nhiều cản trở. Chỉ khi đó, xuất khẩu nông sản mới thực sự phát huy hết tiềm năng, cũng như đáp ứng kỳ vọng đặt ra.

Thế Nguyên