Kỳ vọng tiếp tục bứt phá
Kinh tế - Ngày đăng : 06:27, 11/02/2019
Chế biến thủy sản, một trong những mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam. |
Những tín hiệu khả quan
Với kim ngạch xuất khẩu hơn 40 tỷ USD trong năm 2018, Việt Nam đang đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản. Hàng nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý, trong 10 năm qua, “Câu lạc bộ trên 1 tỷ USD” vẫn luôn duy trì với 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu, trong đó có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD là: Tôm, rau quả, hạt điều, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ.
Năm 2019, nhiều mặt hàng nông sản tiếp tục được kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị xuất khẩu, đơn cử như mặt hàng gỗ và lâm sản. Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt mức kỷ lục, với hơn 9,3 tỷ USD. Theo thông tin từ các doanh nghiệp và hiệp hội, năm nay, giá trị đơn đặt hàng đồ gỗ và lâm sản có thể tăng hơn 1,5 tỷ USD so với năm 2018, khi nhu cầu của nhiều thị trường lớn như: Mỹ, EU… tăng mạnh.
Đồng thời, nhiều hiệp định thương mại sắp có hiệu lực, đặc biệt là Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ giúp các sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang 28 quốc gia châu Âu mà không cần qua nước trung gian. Đây là thuận lợi rất lớn, giúp tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Thủy sản cũng là mặt hàng được kỳ vọng sẽ có những tăng trưởng mạnh trong năm nay. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe, năm 2019, cơ hội mở ra cho ngành Thủy sản là rất lớn khi tốc độ tiêu thụ thủy sản của thế giới tăng mạnh. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực, hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi rất nhiều so với mức thuế hiện tại.
Cùng với đó, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc cũng đang dần ổn định, sau khi hai bên đàm phán đưa mặt hàng này đi theo đường chính ngạch... Với những thuận lợi đó, năm 2019, ngành Thủy sản dự báo sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu trên dưới 10 tỷ USD.
Cùng với đó, rau quả, gạo, tiêu, điều… cũng là những mặt hàng được kỳ vọng tiếp tục mang về những giá trị cao cho ngành Nông nghiệp. Với đà này, năm 2019, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 43 tỷ USD của ngành Nông nghiệp là hoàn toàn khả thi.
Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm
Hướng tới mục tiêu dài hơi hơn, ngành Nông nghiệp dự kiến trong 10 năm tới nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trong tốp 15 các nước phát triển nhất thế giới. Trong đó, lĩnh vực chế biến nông sản đứng trong tốp 10 thế giới, đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới và là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu.
Năm 2019, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 43 tỷ USD trên cơ sở nhiều dự báo có tính khả thi. |
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, muốn tham gia thị trường nông sản thế giới với nhiều rào cản kỹ thuật khắt khe, việc nâng cao chất lượng sản phẩm là giải pháp mang tính quyết định. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua quy hoạch vùng, đầu tư khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp tăng đầu tư cho chế biến.
“Bởi chỉ có chế biến mới giúp tăng giá trị, mở rộng thị trường, bảo đảm tính bền vững choxuất khẩu. Chế biến cũng là phương châm, mục tiêu và là giải pháp đột phá của ngành Nông nghiệp” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hút đầu tư thì việc mở rộng thị trường cũng đang là giải pháp quan trọng. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, hiện nông sản Việt Nam đang có 6 thị trường lớn gồm: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Tới đây, nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, thị trường sẽ rộng mở. Nhưng, việc cắt giảm thuế quan chỉ là một phần, quan trọng là phải đàm phán mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật.
Thành công lớn nhất trong năm qua là thông qua hoạt động đàm phán, Trung Quốc đã đồng ý mở cửa chính ngạch thêm 7 loại trái cây của Việt Nam (sầu riêng, bưởi, chanh dây, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt) và đồng ý cấp phép xuất khẩu chính ngạch cho cá ngừ, cá rô phi của Việt Nam thay vì phải xuất khẩu qua tiểu ngạch như trước đây. Cùng với thị trường truyền thống, Bộ NN&PTNT cũng đang tích cực đàm phán tiếp tục mở rộng thị trường, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Nafood Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, mối quan tâm hàng đầu hiện nay của Nafood và các doanh nghiệp chính là vấn đề thị trường. Theo ông Hùng, Nafood có thể đẩy mạnh hơn doanh số xuất khẩu trong năm 2019 nhờ những lợi thế sẵn có trong các mặt hàng có chất lượng cao như hạt điều, trái cây..., song bên cạnh việc mở rộng được thị trường mới, điều quan trọng nhất vẫn là giữ được thị phần tại thị trường truyền thống trong bối cảnh áp lực cạnh tranh rất lớn hiện nay...
Dù vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, song với những tiềm năng, thế mạnh hiện có, cùng với sự đồng hành, chỉ đạo quyết liệt từ phía bộ, ngành, trung ương, kỳ vọng năm 2019, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự tăng trưởng kinh tế nước nhà nói chung và thu nhập của nông dân nói riêng.