Doanh nghiệp khẩn trương sản xuất ngay sau Tết
Kinh tế - Ngày đăng : 15:10, 11/02/2019
Từ mùng 6 tháng Giêng, khí thế sản xuất của Công ty TNHH mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) đã rất sôi động.
Thu hoạch dưa bao tử tại huyện Đông Anh. (Ảnh: Thanh Bạch) |
Bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty chia sẻ, thời tiết nắng ấm nên công tác xử lý, bảo quản, đóng gói 5 công-ten-nơ, tương đương 50.000 sản phẩm mây tre, giang đan để xuất đi Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga diễn ra thuận lợi. Đơn hàng của Công ty được gối từ trước Tết với khối lượng lớn nên sau ngày nghỉ Tết, đơn vị đã huy động tối đa nhân lực để hoàn thành và sẵn sàng chuyển hàng ra cảng.
Hiện, ngoài 15 lao động sơ chế, đóng gói tại xưởng, 5.000 lao động ở các làng nghề của các huyện như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức... tập trung làm hàng xuất khẩu cho doanh nghiệp.
“Hy vọng, năm mới Kỷ Hợi 2019 làng nghề sẽ được quan tâm đầu tư hơn nữa về mặt bằng sản xuất, hạ tầng giao thông nông thôn để doanh nghiệp yên tâm sản xuất”, bà Nguyễn Thị Lương nói.
Trên địa bàn huyện Đông Anh có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả với 40 hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn, diện tích 560 ha; trong đó có 6 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 1 cơ sở sản xuất rau hữu cơ và nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp cùng tham gia liên kết sản xuất, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thông qua hình thức chuỗi liên kết giá trị nông sản.
Ngay từ mùng 3 Tết Nguyên đán, các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp rau an toàn, rau hữu cơ trên địa bàn đã ra quân thu hoạch, sơ chế, đóng gói để cung ứng sản phẩm cho các cửa hàng, siêu thị theo đơn đặt hàng từ trước Tết.
Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương huyện Đông Anh cho biết, đơn vị chỉ nghỉ Tết Nguyên đán 3 ngày, sau đó đã tập trung sản xuất cho kịp thời vụ cũng như thu hoạch rau màu đến lứa. Từ mùng 3 Tết đến nay, HTX đã cung ứng ra thị trường hơn 1 tấn rau an toàn, rau hữu cơ các loại với giá bán ổn định từ 15.000 đồng đến 40.000 đồng/kg tùy loại.
Đông Anh là huyện có diện tích canh tác lớn - hơn 12.000 ha, chăn nuôi có trên 70.000 con lợn, 2,2 triệu con gia cầm và 120 ha nuôi trồng thủy sản. Năm 2019, dự tính toàn huyện cung cấp ra thị trường khoảng 90.000 tấn rau các loại, gần 4.000 tấn thịt lợn và 5.000 tấn thịt gia cầm.
Giao dịch tại SHB vào sáng 11-2. |
Tại khối doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ, trong không khí phấn khởi, các cán bộ, nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) bước vào năm mới với tinh thần "vui xuân không quên nhiệm vụ". Tại trụ sở chính của Ngân hàng này trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, nhân viên đã làm việc nghiêm túc nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân và doanh nghiệp. Đầu năm mới nên khách hàng đến giao dịch rất đông, chủ yếu là người dân đến gửi tiền.
Lãnh đạo SHB đã quán triệt và đốc thúc cả hệ thống ngân hàng, từ Hội đồng quản trị, Ban điều hành, các cấp quản lý đến cán bộ, nhân viên đổi mới mạnh mẽ về tư duy, cách làm, nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới, quản trị mới, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng để cạnh tranh hơn và hoạt động hiệu quả hơn.
Còn ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội cho biết, với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ gần như không có ngày nghỉ, kể cả là ngày lễ, Tết, vì đặc thù công việc.
Doanh nghiệp phải bảo đảm để du khách du xuân thuận lợi, an toàn. Rất nhiều tour tuyến được triển khai sau Tết nên các bộ phận phải lên kế hoạch, xây dựng từ trước Tết. Các nhân viên luôn trực 24/24, đặc biệt là bộ phận hướng dẫn viên, lái xe, tư vấn…
Lãnh đạo Vietravel chi nhánh Hà Nội cho biết, doanh nghiệp du lịch không có khái niệm ngày đầu tiên đi làm vì gần như nhân viên phải làm việc xuyên Tết.
“Chúng tôi có nhiều cách khác nhau để chúc Tết các đồng nghiệp, sau đó ai nấy lại tập trung, khẩn trương làm việc khi mà ra xuân là tháng cao điểm cho mùa du lịch lễ hội”, ông Phạm Văn Bảy nói.