Bảo đảm công bằng khi bình xét thu nhập tăng thêm
Tài chính - Ngày đăng : 07:37, 11/02/2019
Kể từ năm 2018, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên sẽ được chi thu nhập tăng thêm với mức chi tối đa gấp 0,6 lần lương cơ bản, năm 2019 sẽ là 1,2 lần lương cơ bản. Có thể nói, mức thu nhập mới này sẽ giúp công chức an tâm công tác, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thu nhập của bác sĩ ở nhiều bệnh viện tự chủ kinh tế tại TP Hồ Chí Minh tăng 3 lần, trong khi thu nhập tăng thêm chỉ bằng 1,2 lần lương cơ bản. |
Tuy nhiên, do năm 2018 là năm đầu tiên triển khai nên nhiều đơn vị trực thuộc tổ chức chính trị, xã hội đặc thù vẫn không nằm trong danh sách được nhận thu nhập tăng thêm, điển hình như: Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP Hồ Chí Minh, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh. Còn đối với các đơn vị tự chủ tài chính toàn phần vẫn có những băn khoăn trong vấn đề này. Bởi thực tế, tiền lương cho người lao động tại nhiều đơn vị tự chủ kinh tế như bệnh viện, trường học, đơn vị sự nghiệp đã tăng gấp 2-3 lần, nếu áp dụng chi thu nhập tăng thêm thì chỉ chi được 1,2 lần lương cơ bản...
Năm 2019, TP Hồ Chí Minh tập trung cải cách hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Các tổ chức phải thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, từng phường phải trả lời được tỷ lệ hài lòng của người dân. Bởi sự hài lòng của người dân chính là cơ sở để chi trả thu nhập tăng thêm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ghi nhận sự hài lòng của nhân dân để làm cơ sở đánh giá thu nhập tăng thêm...”.
Hiện nay, vấn đề đặt ra cho các đơn vị công lập là làm sao tạo được khí thế thi đua, làm việc sôi nổi, đề cao sự sáng tạo, sáng kiến, cải cách hành chính để được nhận thu nhập tăng thêm xứng đáng với công sức phục vụ.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hồ Chí Minh - cơ quan trực tiếp giám sát việc đánh giá và chi trả thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức của thành phố cho biết: “Nhiều đơn vị tại TP Hồ Chí Minh làm việc rất tốt. Ví dụ như năm 2018, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính công của Sở Y tế đã giải quyết 16.000 hồ sơ, nhưng chỉ một hồ sơ trễ hạn thì Giám đốc Sở Y tế phải viết thư xin lỗi người dân. Qua đó cho thấy cường độ làm việc của bộ phận giải quyết hồ sơ tại Sở Y tế rất cao, xứng đáng nhận phần thu nhập tăng thêm”.
Tại các đơn vị sử dụng nhiều lao động theo hợp đồng 68/2000/NĐ-CP, chủ yếu là lái xe, bảo vệ, tạp vụ, giúp việc, nhân viên tạm tuyển hiện chưa được hưởng thu nhập tăng thêm. Đơn cử như Trường Mầm non Măng Non 1 (quận 10) có tổng cộng 96 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhưng có tới 34 người không được hưởng thu nhập tăng thêm, gồm các nhân viên hợp đồng. Những đối tượng lao động này chủ yếu nhận được một phần thu nhập tăng thêm từ sự chia sẻ của các công chức, viên chức được nhận thu nhập. Do đó, vai trò của tổ chức Công đoàn rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Thủ trưởng các đơn vị, cán bộ công đoàn cần bàn bạc với nhau để bình xét, đánh giá cán bộ, công chức, người lao động một cách công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch.
Ông Nguyễn Bảo Toàn - Phó Chủ tịch Công đoàn Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện Công đoàn Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh quản lý 344 công đoàn viên. Tổ chức Công đoàn trực tiếp triển khai đề án chi thu nhập tăng thêm cho người lao động. Chúng tôi đã đề xuất tập huấn cách đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức đầy đủ các bước để bảo đảm lợi ích cho người lao động. Từ đó, việc chi thu nhập tăng thêm đạt thuận lợi nhờ luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công đoàn viên, nhất là đối tượng làm việc theo hợp đồng 68/2000/NĐ-CP”.