Quan hệ Pháp - Italia: Chệch quỹ đạo nồng ấm
Thế giới - Ngày đăng : 07:25, 13/02/2019
Phong trào biểu tình “Áo vàng” - nguyên nhân gây rạn nứt quan hệ ngoại giao Pháp - Italia. |
Trước đó, ông L.Di Maio, lãnh đạo đảng Phong trào 5 Sao (M5S) của Italia đã công khai ủng hộ lực lượng “Áo vàng” gây ra các cuộc biểu tình làm hỗn loạn nhiều thành phố của Pháp từ tháng 11-2018. “Giọt nước làm tràn ly” là cuộc gặp giữa ông L.Di Maio và lãnh đạo phe “Áo vàng” Christophe Chalencon tại Rome và dòng chữ ông viết trên Twitter rằng "Ngọn gió của sự thay đổi đã thổi trên dãy Alps". Ông L.Di Maio cho biết mục đích cuộc gặp là nhằm chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sắp tới tại Nghị viện châu Âu. Song, Pháp cho rằng đây là "một sự khiêu khích không thể chấp nhận" và là hành động "đổ thêm dầu vào lửa". Paris luôn coi việc ủng hộ phong trào “Áo vàng” là hành động tấn công trực diện và tỏ ra lo ngại trước những phát biểu hậu thuẫn làn sóng biểu tình đang diễn ra tại nước này. Phía Pháp khẳng định, những động thái của lãnh đạo Italia là chưa từng có tiền lệ kể từ Chiến tranh thế giới thứ II.
Căng thẳng giữa Pháp và Italia nhen nhóm kể từ khi liên minh giữa đảng M5S và đảng League lên nắm quyền hồi tháng 6 năm ngoái. Ông L.Di Maio từng khiến Paris giận dữ khi cáo buộc Pháp làm trầm trọng cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu bằng việc tiếp tục "thực dân hóa" châu Phi. Ông cũng kêu gọi Liên minh châu Âu trừng phạt Pháp vì khuyến khích người dân Lục địa đen từ bỏ quê hương để tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn ở châu Âu. Pháp đã triệu Đại sứ Italia tại Paris để phản đối những phát ngôn trên.
Thực tế, vấn đề di dân đang là mâu thuẫn giữa hai nước khi Chính phủ mới ở Italia thường xuyên có những căng thẳng với Pháp liên quan đến vấn đề nhập cư hoặc các chính sách ở Libya. Mùa hè 2018, các lãnh đạo Italia, nước chịu nhiều tốn kém do làn sóng nhập cư kể từ năm 2015, đã nổi giận khi Tổng thống Pháp E.Macron lên án Chính phủ mới ở Rome không cho phép hàng trăm người di cư lên một chiếc tàu cứu hộ nhân đạo. Ông chủ Điện Elysees cho rằng theo luật pháp quốc tế, Italia phải tiếp nhận những người di cư vì là nước có đường bờ biển gần nhất với nơi xảy ra vụ việc. Căng thẳng lên cao tới mức ảnh hưởng tới lĩnh vực văn hóa khi bà Lucia Borgonzoni, thành viên của M5S, lên tiếng phản đối việc Bảo tàng Louvre ở Paris mượn kiệt tác của danh họa Leonardo da Vinci từ các bảo tàng Italia.
Trước quyết định triệu hồi Đại sứ của Pháp, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã khẳng định nước này và Pháp có mối quan hệ lịch sử sâu sắc và bất kỳ sự căng thẳng nào giữa hai nước đều có thể được giải quyết. Ngày 11-2, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Italia M.Salvini bày tỏ sẵn sàng gặp Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner để thảo luận về những bất đồng. Tuy nhiên, mặc dù bày tỏ sẵn sàng khôi phục quan hệ với Paris, nhưng ông M.Salvini cũng đề nghị Pháp giải quyết 3 vấn đề cơ bản gồm: Cảnh sát Pháp phải chấm dứt việc đẩy người di cư trở lại Italia; ngừng tiến hành các cuộc kiểm tra kéo dài ở khu vực biên giới hai nước vốn dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông; phía Paris phải giao nộp khoảng 15 đối tượng mà Italia cho rằng đang tị nạn chính trị ở Pháp trong những thập kỷ gần đây.
Các nhà phân tích nhận định, với khá nhiều vấn đề nảy sinh, việc hai quốc gia láng giềng có thể lập tức giải quyết những khúc mắc để đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo nồng ấm là không dễ dàng.