Nguồn nhân lực cần được khai thác hiệu quả

Đời sống - Ngày đăng : 07:39, 13/02/2019

(HNM) - Đa số lao động xuất khẩu trở về nước có trình độ chuyên môn, tay nghề vững, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ khá tốt. Đó là nguồn nhân lực chất lượng cao, cần được khai thác, phát huy hiệu quả để tránh lãng phí.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tuyển dụng lao động xuất khẩu về nước. Ảnh: Hà Hiền


Lực lượng lao động chất lượng cao

Đến một số điểm giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trong thời gian gần đây, chúng tôi gặp nhiều lao động xuất khẩu trở về nước có nhu cầu tìm việc làm. Anh Phương Xuân Bách, xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) cho biết: “Sau nhiều năm làm việc ở Hàn Quốc, tích lũy được ít vốn, tôi muốn trở về làm việc gần nhà để tiện chăm sóc gia đình. Do có ngoại ngữ, tôi đã ứng tuyển vào một số công ty có vốn đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam”. Cũng trở về từ Hàn Quốc, anh Nguyễn Thăng Long, xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) mang hồ hơ ứng tuyển lên Hà Nội tìm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc. Cá nhân anh đưa ra yêu cầu về mức lương tối thiểu khoảng 20 triệu đồng/tháng cho vị trí phiên dịch tiếng Hàn, nhưng chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng mức lương này.

Chuẩn bị sang Nhật Bản làm việc, anh Nguyễn Minh Phi, xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) tham gia nhiều hội chợ việc làm dành cho lao động xuất khẩu về nước để có định hướng cho tương lai. Sau quá trình tìm hiểu, anh Minh Phi khẳng định: “Tôi đi xa để tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm tiên tiến ở nước bạn, trở về phục vụ quê hương. Vì vậy, trong thời gian làm việc ở nước ngoài, tôi sẽ cố gắng học tập kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, để khi trở về dễ dàng có được công việc mong muốn”.

Đánh giá cao khả năng làm việc của lực lượng lao động xuất khẩu trở về, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang tìm kiếm nguồn nhân lực này qua nhiều kênh khác nhau. Các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành riêng cho lao động từng đi làm việc ở nước ngoài do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức luôn thu hút khoảng 60-80 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng. Phiên giao dịch gần đây nhất thu hút 72 doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản tham gia tuyển dụng hơn 1.100 lao động vào vị trí quản lý, phiên dịch - biên dịch, nhân viên kỹ thuật, công nhân sản xuất… Tiếc rằng, rất ít doanh nghiệp tuyển được nhân sự vào vị trí mong muốn.

Lý giải nguyên nhân, chị Nguyễn Thị Thanh Hương, cán bộ giám sát hành chính của Công ty TNHH Akebono Kasei Việt Nam, Khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư (quận Long Biên) cho rằng: "Trong thời gian làm việc ở nước ngoài, đa số người lao động nhận được mức lương khá cao. Khi về nước, những lao động đáp ứng tốt yêu cầu công việc thường đưa ra yêu cầu về mức lương gần ngang bằng với mức lương họ từng nhận, vượt quá khả năng chi trả của các doanh nghiệp hoạt động trong nước. Còn những lao động đòi hỏi mức lương thấp hơn, họ lại thiếu những kỹ năng cần thiết...".

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta có hơn 500.000 lao động đang làm việc hợp pháp tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau. Số lao động hết hạn hợp đồng trở về nước lên đến hàng vạn người mỗi năm. Với những ưu thế về kỹ năng, kinh nghiệm, tác phong làm việc và trình độ ngoại ngữ, những người từng đi xuất khẩu lao động được đánh giá là lực lượng lao động chất lượng cao. Do đó, cung - cầu về nguồn nhân lực đặc thù này chưa thực sự gặp nhau gây lãng phí về nhiều mặt.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Góp phần kết nối lực lượng lao động xuất khẩu trở về nước với thị trường, ngoài các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, trao đổi giữa người lao động với doanh nghiệp. "Yếu tố quyết định để cung - cầu lao động gặp nhau là ở mức lương thỏa thuận giữa hai bên và khả năng đáp ứng được yêu cầu về công việc của người lao động. Người lao động muốn nhận được lương thỏa đáng khi trở về, thì bản thân họ phải nỗ lực không ngừng để có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, khiến doanh nghiệp sẵn sàng đáp ứng mức lương họ đưa ra”, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhắn nhủ. Tương tự TP Hà Nội, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho lao động về nước.

Cùng với đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ lao động di cư. Giải pháp nâng cao chất lượng lao động trước khi đưa họ ra nước ngoài làm việc cũng được triển khai thông qua mô hình kết nối giữa doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. “Thông qua mô hình này, ngay sau khi ra trường, học sinh, sinh viên có thể ra nước ngoài tiếp tục học tập, làm việc ở môi trường chuyên nghiệp hơn để nâng cao tay nghề. Khi trở về nước, họ là nguồn nhân lực chất lượng cao nhờ hội tụ các yếu tố về ngoại ngữ, tay nghề, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, có kinh nghiệm quản lý”, ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khẳng định.

Như vậy, muốn khắc phục sự lãng phí nguồn nhân lực “hậu” xuất khẩu, ngay sau khi có kế hoạch đưa người đi làm việc ở nước ngoài, các ngành chức năng, doanh nghiệp, địa phương cần phối hợp để xây dựng ngân hàng dữ liệu về lực lượng lao động này. Nắm rõ số lượng, trình độ, nghề nghiệp và đặc điểm của các thị trường người lao động từng làm việc, các bên liên quan sẽ dễ dàng khớp nối thông tin để khai thác, phát huy tốt nguồn nhân lực sẵn có.

Minh Ngọc