Bài cuối: Tô thắm mùa xuân
Đời sống - Ngày đăng : 06:55, 14/02/2019
Một ca trực Tết tại Trung tâm Điều độ EVN Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải |
Giữ dòng điện sáng
Trò chuyện với anh Nguyễn Anh Minh, điều độ viên kiêm Trưởng kíp Trung tâm điều khiển, Trung tâm Điều độ Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) mới thấy công việc không đơn giản như tôi nghĩ. Ca trực kéo dài 8 giờ, mọi người trong kíp trực đều phải căng mắt theo dõi từng chi tiết nhỏ của hệ thống truyền tải điện để phát hiện sự cố nhằm kịp thời xử lý.
Minh kể: "Đây là năm thứ 2 em trực Tết, vào đêm 30 và mùng 2 Tết. Đang ở độ tuổi 25, nhìn chúng bạn rủ nhau đi chơi, em cũng thấy chạnh lòng. Nhưng, nỗi buồn ấy cũng thoảng qua vì ở đây không chỉ mình em, mà còn rất nhiều người khác cùng trực. Trong dịp Tết, trung tâm tăng cường gấp đôi số lượng cán bộ trực và có sự chuẩn bị chu đáo cho anh em nên ai cũng vui”.
Còn bác Vũ Văn Dương, Phòng Điều độ vận hành Công ty Điện lực Ba Đình cho biết, vào tháng 9-2019 sẽ nghỉ chế độ, nhưng Tết này vẫn cùng anh em trực bảo đảm điện phục vụ cho các lễ hội văn hóa lớn ở Cung Thể thao Quần Ngựa.
Bác Dương chia sẻ: “Gần 40 năm gắn bó với ngành Điện, kỷ niệm của tôi khi về nghỉ chế độ sẽ là những ca trực Tết của người thợ điện Thủ đô đầy ắp niềm vui. Nhìn dòng người đổ ra đường vào đêm 30 Tết chào đón năm mới trong ánh sáng lung linh của đèn trang trí, chúng tôi rất vui khi được đóng góp công sức nhỏ bé của mình trong niềm vui chung của cộng đồng”.
Để giữ cho nguồn năng lượng được thông suốt, ông Nguyễn Hoàng Khương, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Điện lực Ba Đình cho biết, đảm trách công việc ở một quận có vị trí quan trọng, trung tâm chính trị của quốc gia nên công tác bảo đảm điện, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đã được công ty lên phương án rất cụ thể. Từ quý IV-2018, công ty đã lập phương án chi tiết, đồng thời rà soát toàn bộ lưới điện để kịp thời khắc phục tồn tại. Trong những ngày Tết, công ty huy động 20 ca trực, bảo đảm không để xảy ra bất kỳ sự cố nào, dù là nhỏ nhất.
Dịp Tết Kỷ Hợi 2019, để dòng điện được thông suốt trên địa bàn Thủ đô, EVN HANOI đã huy động trên 13.000 ca trực, đồng thời chuẩn bị các máy phát dự phòng tại 30 điểm bắn pháo hoa đêm Giao thừa; 64 điểm tổ chức chợ hoa xuân… bố trí nguồn điện dự phòng, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục trong mọi tình huống. Với sự chuẩn bị chu đáo đó, dòng điện đã luôn bừng sáng, góp phần giữ cho một mùa xuân ấm áp, an toàn.
Giữ thành phố luôn sáng, sạch, đẹp
Trong khi nhiều gia đình thảnh thơi du xuân, chơi Tết, thì với những công nhân vệ sinh môi trường, Tết lại là khoảng thời gian cao điểm của công việc. Họ phải tăng ca với khối lượng công việc cao gấp nhiều lần so với ngày thường.
Đêm 30 Tết, khi hàng triệu gia đình sum vầy trong thời khắc chuyển giao năm mới, thì chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Tổ trưởng Tổ môi trường số 1 (Urenco Hoàn Kiếm, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội) vẫn “trực chiến” ngoài đường. 1h, sau màn bắn pháo hoa đêm Giao thừa, khi người dân vui vẻ về với gia đình cũng là lúc chị Hiếu cùng hàng chục công nhân vệ sinh môi trường bắt tay vào việc dọn sạch rác thải mà người dân để lại. Gắn bó với nghề đã 29 năm, chưa Tết nào chị Hiếu được sum vầy cùng gia đình vào thời khắc Giao thừa. Để giữ đường phố sạch đẹp,
chị Hiếu cùng các đồng nghiệp thường đón Giao thừa trên phố. Công việc của họ chỉ kết thúc khi ánh bình minh ngày đầu tiên của năm mới ló rạng. “Dịp Tết, rác thải tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với ngày thường. Trong khi hàng triệu người đi du xuân thì chúng tôi vẫn miệt mài trên từng góc phố. Có những hôm mệt quá, về đến nhà tôi chỉ còn biết nằm lăn ra ngủ cho lại sức” - chị Hiếu tâm sự.
Tết năm nay, chị Đỗ Thị Hoa, ở Tổ môi trường số 9 (Urenco Ba Đình) và 25 anh chị em công nhân trong tổ đều đón Giao thừa ngoài đường, bởi hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình) cũng là một trong những điểm bắn pháo hoa trên địa bàn thành phố.
“Không chỉ thu dọn rác, chúng tôi còn thu dọn toàn bộ thùng pháo (120 giàn) nên quét "mệt nghỉ", đến 3h30 mới xong việc” - chị Hoa cho biết. Về nhà, chợp mắt được một lúc, 7h chị lại phải thức dậy để làm nghĩa vụ của người mẹ, người vợ trong gia đình. Sau khi cả nhà quây quần bên bữa sáng, chị lại đi ngủ lấy sức. 18h, chị tiếp tục ca làm việc mới.
“Công việc vất vả, hầu như không Tết nào được ở nhà với gia đình, nhưng may mắn là được bố mẹ, chồng, con thông cảm. Cơ quan cũng quan tâm, chia sẻ kịp thời, hỗ trợ thêm 1 tháng lương và tiền trực Tết. Có những chi tiết tuy nhỏ, nhưng là niềm vui riêng, ấy là việc một số người đi chơi đêm Giao thừa đã mừng tuổi chúng tôi, số tiền tuy không lớn nhưng là sự động viên, giúp chúng tôi vơi đi phần nào nỗi mệt nhọc” - chị Hoa tâm sự.
Công việc vất vả, thường xuyên phải “bám đường”, tiếp xúc với ô nhiễm, khói bụi,... nhưng qua câu chuyện với các chị, tôi cảm nhận được sự say mê, yêu nghề cũng như niềm tự hào của các chị khi được khoác lên mình bộ đồng phục của người góp phần làm sáng, sạch, đẹp đường phố. Ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, đơn vị đã huy động 100% quân số (hơn 2.000 cán bộ, công nhân viên) "trực chiến", duy trì bảo đảm vệ sinh môi trường.
Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (từ ngày 2 đến 10-2), Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn đã tiếp nhận gần 40.000 tấn rác thải từ các quận, huyện chuyển về. Trong đó, riêng ngày 4-2 (tức 30 tháng Chạp năm Mậu Tuất), lượng rác được thu gom, vận chuyển tăng gần gấp đôi so với ngày thường, lên tới hơn 7.800 tấn.
Trong không khí ấm áp, an toàn của những ngày Tết vui, có sự đóng góp thầm lặng của họ - những người cống hiến cho mùa xuân thêm xuân.