Giải pháp trọng tâm cho nông nghiệp

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:14, 15/02/2019

(HNM) - Năm 2019, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về

Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng).


Vào cuộc tích cực

Ngay từ những ngày đầu năm 2019, các địa phương đã bắt tay ngay vào sản xuất, coi đây là giải pháp hàng đầu để nâng cao đời sống cho nhân dân. Cùng với đó, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu... nhằm nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới.

Đan Phượng là một trong những địa phương hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới và đang xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao. Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng, để tạo chuyển biến về chất trong xây dựng nông thôn mới, Đan Phượng tập trung vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, Đan Phượng phát triển cây trồng phù hợp với đồng đất địa phương (bưởi, chuối, hoa, rau các loại); xây dựng các hợp tác xã chuyên canh để chỉ đạo sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản. Đối với các làng nghề, đặc biệt là nghề mộc ở các xã: Liên Hà và Liên Trung, huyện mở rộng điểm sản xuất, tạo thêm việc làm cho khoảng 4.700 lao động...

Tại huyện Gia Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, Gia Lâm có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang hoàn thành các tiêu chí để được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, Gia Lâm tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; diện tích chuyển đổi theo quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp của huyện được hơn 1.295ha. Riêng năm 2018, huyện đã chuyển đổi được 347,3ha, đạt 138,3% kế hoạch. Gia Lâm cũng đã phê duyệt được 66 phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành 19 mô hình liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện...

Với Phúc Thọ, huyện tích cực động viên nhân dân thực hiện cuộc vận động “ba sạch” (nước sạch, nông nghiệp sạch, môi trường sạch). Toàn huyện đã có 81,7% số hộ được sử dụng nước sạch (trong đó người dân sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung đạt 28,4%); huyện đã lắp đặt gần 3.000 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật và vận động nhân dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách; chỉnh trang cảnh quan môi trường... Mới đây, Phúc Thọ phát động mỗi xã, thôn chọn 1 cụm dân cư để xây dựng cụm dân cư kiểu mẫu nhằm tạo đột phá trong nông thôn mới.

"Nâng đầu, đỡ cuối"

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp đạt từ 2,5 đến 3%; ứng dụng công nghệ cao đạt 35% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố; thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có từ 8 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới...

Theo đó, ngay từ đầu năm 2019, Hà Nội tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu của ngành; đồng thời, thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các hợp tác xã nông nghiệp. Thành phố tiếp tục thực hiện kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp; triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả”... nhằm tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp.

Đối với xây dựng nông thôn mới, Hà Nội chỉ đạo các xã tập trung xây dựng và hoàn thiện những tiêu chí chưa đạt và cơ bản đạt; với các xã, huyện đã đạt chuẩn, cần duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí theo quy định...

Tuy nhiên, bên cạnh sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, triển khai, quá trình thực hiện ở một số địa phương vẫn còn khó khăn. Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng, Đan Phượng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã và đang triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao (trong đó, ba xã Song Phượng, Đan Phượng và Liên Trung của huyện cũng là 3 xã đầu tiên của TP Hà Nội “cán đích” xây dựng nông thôn mới nâng cao). Trước đây, các xã xây dựng nông thôn mới được hỗ trợ một phần kinh phí của thành phố nhưng hiện nay, bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao vẫn chưa rõ cơ chế hỗ trợ. “Đan Phượng mong được thành phố và các đơn vị tiếp tục hỗ trợ các xã đang xây dựng nông thôn mới nâng cao theo hướng “nâng đầu, đỡ cuối” (hỗ trợ các xã làm tốt và cả xã còn khó khăn - PV), làm điểm để nhân rộng” - Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng kiến nghị.

Chung quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Việt Liên nêu vấn đề cụ thể: “Trong khi tỷ lệ người dân trên địa bàn huyện được sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung còn thấp, nhưng một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình nước sạch tại Phúc Thọ (đã được thành phố chấp thuận) chậm triển khai. Bên cạnh đó, Phúc Thọ rất cần sự hỗ trợ của thành phố về giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”.

Như vậy, lộ trình "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” của Thành ủy Hà Nội đã rõ ràng; đồng thời, kèm theo là những giải pháp khá cụ thể. Tuy nhiên, khi thực hiện, từng địa phương có đặc thù riêng và tồn tại không dễ khắc phục. Để hoàn thành mục tiêu, bên cạnh nỗ lực của cán bộ, nhân dân mỗi địa phương, rất cần sự hỗ trợ từ nhiều cấp, nhiều ngành, đặc biệt là sự giúp sức của các đơn vị có tiềm lực về: Kinh tế, nhân lực, khoa học, công nghệ...

Nguyễn Mai