Bài cuối: Bài học từ cuộc chiến chính nghĩa và giá trị hòa bình

Chính trị - Ngày đăng : 06:42, 15/02/2019

(HNM) - Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc là sự thật lịch sử không thể bóp méo hoặc đảo ngược, và là một dấu mốc khắc ghi trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.


Nhiều bài học được rút ra, nhưng nổi lên là nhiệm vụ gìn giữ, nâng niu hòa bình, những giá trị hòa bình. Thực tế những năm qua đã chứng minh, nhân dân Việt Nam, nhân dân Trung Quốc đều mong muốn hòa bình, “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” và hai nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn từ khi bình thường hóa quan hệ, đẩy mạnh giải quyết những tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình!

Những bài học kinh nghiệm sâu sắc

Cách nay 40 năm, để chuẩn bị cho cuộc chiến xâm lược Việt Nam, Trung Quốc đã tập trung lực lượng lớn quân đội áp sát biên giới Việt - Trung. Thế nhưng, với tinh thần quyết tâm chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, sau một tháng kiên cường đánh trả, cầm chân và tiêu hao nhiều sinh lực đối phương, đến ngày 18-3-1979, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc cơ bản quân Trung Quốc đã rút khỏi đất Việt Nam. "Dù rằng đời ta thích hoa hồng / Kẻ thù buộc ta ôm cây súng..." - từ thực tiễn cuộc chiến đấu chính nghĩa này đã để lại cho chúng ta một số kinh nghiệm quý báu đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Đó là phải thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội và sự nghiệp quốc phòng, quân sự, trọng tâm là củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh.

Đó là sự nhạy bén trong phân tích, đánh giá tình hình, nhận rõ đối tác, đối tượng của cách mạng; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Cùng với đó là kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh, nhất là ở những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có sức mạnh tổng hợp ngày càng cao, làm nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Thường xuyên củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Ngoài ra, cũng cần thấy rằng, trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979, bên cạnh phát huy truyền thống yêu nước anh dũng, kiên cường chiến đấu chống lại sự tiến công xâm lược của quân Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ đất nước, chúng ta đã tranh thủ mạnh mẽ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa. Nhờ đó, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới. Các tổ chức quốc tế như Hội đồng hòa bình thế giới, Liên hiệp Công đoàn thế giới, Liên hiệp Thanh niên Dân chủ thế giới đều tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc và kêu gọi ủng hộ Việt Nam.

Đặc biệt, Hội nghị quốc tế khẩn cấp ủng hộ Việt Nam họp ở Helsinki (thủ đô Phần Lan) từ ngày 6 đến ngày 8-3-1979 gồm đại biểu hơn 100 nước và 30 tổ chức quốc tế tham dự đã lên án hành động gây chiến tranh, đòi Trung Quốc rút quân đội ra khỏi Việt Nam và đề ra Chương trình hành động quốc tế đoàn kết, bảo vệ Việt Nam. Với sự ủng hộ này, cùng với việc cả nước thực hiện Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước (5-3-1979), Trung Quốc phải tuyên bố rút quân trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Đến ngày 18-3-1979, trên toàn tuyến biên giới, cơ bản quân Trung Quốc đã rút khỏi đất Việt Nam.

Gìn giữ, nâng niu hòa bình và giá trị hòa bình

Thực tế trên chiến trường cho thấy, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không chỉ kéo dài trong 1 tháng (từ ngày 17-2-1979 đến 18-3-1979) mà còn những xung đột diễn ra nhiều năm sau đó. Những trận đánh lớn tại một số cao điểm thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang và Tuyên Quang ngày nay) vẫn tiếp tục xảy ra cho tới năm 1989… Trong quãng thời gian này, cùng với xu thế hòa bình, đối thoại trên toàn thế giới; vấn đề phát triển nội tại của hai nước; Việt Nam và Trung Quốc (đặc biệt là Việt Nam) đã có nhiều nỗ lực để ngồi vào bàn đàm phán với phương châm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, từ đó từng bước cải thiện và phát triển mối quan hệ giữa hai nước.

Từ ngày 5 đến 10-11-1991, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa Lý Bằng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức nước CHND Trung Hoa. Đây là mốc thời gian đánh dấu chính thức bình thường hóa và mở ra một trang sử mới trong quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Hai bên tuyên bố Việt Nam - Trung Quốc sẽ phát triển quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện, trên cơ sở 5 nguyên tắc: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình.

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, đến nay quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc không ngừng phát triển mạnh trên tất cả các lĩnh vực như: Chính trị, ngoại giao; kinh tế; giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch…

Về vấn đề biên giới trên bộ, hai nước Việt Nam - Trung Quốc có đường biên giới trên đất liền dài hơn 1.400km. Sau khi bình thường hóa quan hệ, hai bên đã tiến hành đàm phán thực chất và ký “Hiệp ước biên giới trên đất liền” ngày 30-12-1999. Tháng 2-2009, sau một quá trình đàm phán phức tạp, khó khăn lâu dài suốt 10 năm, trên cơ sở tôn trọng lịch sử và xét đến hiện tại, hiệp thương thẳng thắn và lâu dài, hai nước hoàn thành việc cắm mốc biên giới trên đất liền.

Về vịnh Bắc Bộ, năm 2000, hai nước ký “Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” và “Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ” có hiệu lực từ năm 2004. Hiện nay, các hiệp định trên được triển khai tương đối thuận lợi, công tác quản lý đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi hải sản dần đi vào nền nếp. Hai bên cũng thực hiện tốt công tác điều tra liên hợp nguồn thủy sản và tuần tra chung của hải quân hai nước ở vịnh Bắc Bộ.

Về vấn đề Biển Đông, ngay từ khi bình thường hóa quan hệ, hai bên nhất trí thông qua đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 ký giữa Trung Quốc và ASEAN.

Đặc biệt, hợp tác quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc có những bước tiến mạnh mẽ với việc hai bên thường xuyên trao đổi đoàn nhằm tạo sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau. Trong đó, quân đội hai nước thống nhất nhận thức về sự chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của hai nước thông qua các thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, chia rẽ Đảng với quân đội, quân đội với nhân dân và mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Đồng thời, giải quyết những bất đồng giữa hai nước cần được thực hiện bằng các biện pháp hòa bình bằng đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng lợi ích của nhau. Quân đội hai nước cần kiểm soát tốt tình hình, không để xảy ra xung đột, không làm ảnh hưởng xấu tới quan hệ hai nước.

Về thương mại, kim ngạch xuất - nhập khẩu hai chiều không ngừng phát triển, đặc biệt là trong những năm đầu thế kỷ XXI. Chỉ số trao đổi thương mại của hai nước cho thấy mức độ gia tăng không ngừng của hợp tác kinh tế hai nước và không ngừng vượt qua các kế hoạch, dự báo của hai bên cho mỗi giai đoạn. Nhiều thống kê cho thấy trong năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc lần đầu tiên chạm mốc 100 tỷ USD. Đặc biệt, lượng khách du lịch Trung Quốc luôn đứng đầu về số lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

*
* *

40 năm đã trôi qua kể từ sau cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc diễn ra, nhân dân Việt Nam đã và đang sống một cuộc sống hòa bình, tự do, hạnh phúc. Nhìn lại quá trình gần 30 năm qua kể từ khi Việt Nam - Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, mặc dù có lúc còn tồn tại những bất đồng, những điểm khác biệt, song hợp tác và hữu nghị luôn giữ vai trò chủ đạo, mang tính tất yếu trong sự phát triển quan hệ hai nước, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại ngày nay. Đây là cơ sở quan trọng để mỗi nước phát triển, kiến tạo một xã hội tốt đẹp, phồn vinh.

Văn Sáu - Phương Nguyên