Hội nghị toàn cầu về Trung Đông: Không đạt mục tiêu

Thế giới - Ngày đăng : 07:12, 16/02/2019

(HNM) - Ngày 14-2, Hội nghị toàn cầu về Trung Đông do Mỹ đề xuất đã bế mạc tại thủ đô Warsaw (Ba Lan) sau hai ngày làm việc, nhưng không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (phải) và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại hội nghị.


Hội nghị diễn ra ở thời điểm nhạy cảm khi Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (còn gọi là JCPOA: Kế hoạch hành động chung toàn diện) sau khi Mỹ tuyên bố rút và tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Tehran. Mặt khác, giờ là thời điểm Mỹ bắt đầu thực hiện chính sách không can dự vào khu vực, sau tuyên bố hồi cuối năm 2018 của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút quân khỏi Syria. Vì vậy, không chỉ tập trung vào vấn đề Iran, tiến trình hòa bình Trung Đông, hội nghị lần này được kỳ vọng có thể xác định được nước nào sẽ thay thế vai trò của Mỹ tại khu vực; mở ra cơ hội cải thiện mối quan hệ giữa Israel với các quốc gia Ả rập vốn tồn tại nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, tất cả những mục tiêu này đều không đạt được.

Theo các nhà quan sát, khả năng thành công... ít ỏi của hội nghị này đã được dự đoán từ trước. Nhiều nước châu Âu (trong đó có cả Đức, Pháp và Anh) đều thể hiện sự dè dặt khi tham dự, với lo ngại có thể làm xấu thêm mối quan hệ với Iran, nhất là trong bối cảnh muốn níu giữ thỏa thuận hạt nhân đã ký với quốc gia Hồi giáo này.

Thực tế trên cũng cho thấy những căng thẳng ngày một lớn giữa EU và Mỹ về vấn đề Iran, kể từ khi Washington quyết định rút khỏi JCPOA và tái trừng phạt quốc gia Hồi giáo này. Về phần mình, Tehran lên tiếng phản bác hội nghị, với quan điểm cho rằng Washington đang cố tạo một liên minh chống lại Iran. Phản ứng này diễn ra trong bối cảnh ngay trong ngày khai mạc hội nghị, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào 2 thực thể và 9 công dân của Iran.

Hơn thế nữa, nhiều đại diện chủ chốt liên quan tới vấn đề Trung Đông như Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Palestine hay Lebanon cũng vắng mặt. Dù không tham gia hội nghị nhưng không có nghĩa là những nước này đứng ngoài các sự kiện đang diễn ra tại Trung Đông. Cụ thể, tại TP Sochi bên bờ Biển Đen, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã song song tiến hành cuộc họp liên quan đến các vấn đề ở Trung Đông, trong đó có cuộc khủng hoảng tại Syria. Sự phân hóa này khiến giới phân tích cho rằng hội nghị tại Warsaw khó có thể đưa ra những biện pháp cụ thể, đặc biệt khi thiếu vắng những nước có vai trò quyết định như Nga, Iran và Palestine. Việc Mátxcơva chủ động tổ chức hội nghị riêng được coi là cách phản ứng với quan điểm của Mỹ đối với các vấn đề tại khu vực Trung Đông.

Với hàng loạt bất cập tồn tại, hội nghị của Mỹ không đạt được kết quả cụ thể nào cho Trung Đông trong thời gian tới cũng là điều dễ hiểu. Trong phát biểu bế mạc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng chỉ nêu ra những vấn đề đã cũ, như lên tiếng kêu gọi áp đặt thêm trừng phạt đối với Tehran hay phản đối tài trợ cho Tổng thống Hassan Rouhani. Thậm chí, người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ không nêu ra bất cứ kế hoạch nào tiếp theo trong chiến lược của Washington, điều mà rất nhiều quốc gia đang chờ đợi.

Có thể thấy, những nỗ lực để Trung Đông trở nên yên bình chắc chắn là hành trình nhiều chông gai. Việc ba nước Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran tiến hành một cuộc họp tương tự như Mỹ làm tại Warsaw cho thấy sự hình thành rõ nét hai thái cực đối đầu gay gắt về các vấn đề tại Trung Đông. Những gì Mỹ thể hiện ở hội nghị lần này cũng cho thấy Washington đang nỗ lực xốc lại tinh thần đồng minh và siết lại quan điểm chính trị của họ, thay vì chọn lộ trình hòa bình và thân thiện hơn như người ta kỳ vọng.

Hoàng Linh