Chắp những đôi cánh mới cho thơ ca

Văn hóa - Ngày đăng : 08:42, 17/02/2019

(HNM) - Diễn ra từ ngày 15 đến 21-2 tại Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Giang, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII - Nguyên tiêu Kỷ Hợi 2019 gồm nhiều sự kiện quảng bá văn thơ Việt Nam với công chúng trong nước và quốc tế.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI năm 2018


Đưa văn thơ Việt ra thế giới

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII được nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, gọi là sự kiện văn học “ba trong một”, gồm Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII, kéo dài nhiều ngày và diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Ngày thơ Việt Nam năm nay có gần 200 đại biểu gồm các nhà thơ, nhà văn, nhà xuất bản, nhà nghiên cứu văn hóa tiêu biểu cho nền văn học đương đại từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự toàn bộ các sự kiện.

Trong đó, sự kiện mở đầu là Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III diễn ra ngày 16-2, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô. Đây được xem là cơ hội quảng bá, giới thiệu tinh hoa văn học đương đại Việt Nam ra thế giới.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Đất nước ta trên trời dưới sách. Văn chương phát triển mạnh mẽ và được yêu chuộng trong đời sống. Không chỉ văn học trong nước, nhiều tác phẩm nổi tiếng, đoạt các giải thưởng văn chương quốc tế có mặt đầy đủ ở Việt Nam. Nhưng hạn chế của chúng ta là việc giới thiệu, quảng bá tác phẩm ra thế giới”.

Các sự kiện trong Ngày thơ Việt Nam lần này với sự tham gia của nhiều tác giả văn học quốc tế nổi tiếng, đại diện các nhà xuất bản trên thế giới là dịp để giới thiệu văn học Việt Nam với các tác giả, tăng cường liên kết dịch thuật và phát hành tại các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. “Khi văn chương đến với độc giả quốc tế thì văn hóa, đất nước, con người Việt Nam cũng sẽ theo đó được giới thiệu rộng rãi”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.

Các đại biểu quốc tế cũng đồng hành với nhà thơ, nhà văn Việt Nam tham gia nhiều sự kiện khác như: Giao lưu và đọc thơ cùng sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với chủ đề “Trên đôi cánh thơ ca” vào chiều 16-2, Đêm thơ quốc tế tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) vào tối 18-2, Ngày thơ Việt Nam với chủ đề “Người Kinh Bắc” tại TP Bắc Giang (Bắc Giang) vào ngày 19-2. Từ đây, hẳn sẽ có thêm nhiều sự đồng cảm, những cái bắt tay đưa văn thơ Việt vươn xa.

Sông núi trên vai

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII sẽ chính thức khai mạc vào hôm nay (17-2) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) với chủ đề “Sông núi trên vai”. Sân thơ chính năm nay sẽ vang lên những vần thơ đặc sắc về biên cương, hải đảo và nêu bật tinh thần của quân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu kiên cường 40 năm trước. Trong đó, có thể kể đến những nhà thơ lớn như Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Anh Ngọc, Y Phương…

Ở đó, người yêu thơ sẽ cảm nhận được sự đồng hành của thi ca với dân tộc và khẳng định sứ mệnh của thi sĩ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có 10 nhà thơ quốc tế sẽ tham gia đọc thơ và bàn luận về thơ cùng độc giả.

Trong những ngày vừa qua, Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ và Câu lạc bộ Đọc sách cùng con tích cực chuẩn bị cho sân thơ trẻ diễn ra đồng thời với sân thơ chính tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Như mọi năm, đây là sân khấu độc đáo dành cho các tác giả trẻ thể hiện thơ bằng những hình thức phong phú như trình diễn, sắp đặt, vận dụng âm nhạc truyền thống, múa…

Nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, Ủy viên Ban Nhà văn trẻ chia sẻ, sân thơ trẻ năm nay có chủ đề “Mở đường bay phía trước”, nơi các nhà thơ trẻ khẳng định nội lực sáng tạo mạnh mẽ và thái độ trách nhiệm với thời đại mình đang sống. Người yêu thơ sẽ được thưởng thức những vần thơ mới của các tác giả đã hoặc chưa xuất hiện trong nhiều năm trước như Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Anh Vũ, Miên Di, Hoàng Anh Tuấn, Khúc Hồng Thiện, Ngô Gia Thiên An, Bùi Việt Phương…

Cũng trong dịp này, 3 ấn phẩm in song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh vừa được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức biên soạn sẽ ra mắt độc giả, góp vào các sự kiện quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Đó là “10 thế kỷ văn học Việt Nam” (tác giả Phong Lê); tuyển tập thơ Việt Nam “Sông núi trên vai” gồm tác phẩm của 44 nhà thơ tiêu biểu; tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại in tác phẩm của 22 tác giả tiêu biểu.

Có thể thấy, ngoài cảm xúc từ tâm hồn nghệ sĩ, các nhà thơ hiện đại của chúng ta đã thể hiện lý tưởng sống và ý thức trách nhiệm qua những vần thơ tươi mới, rạng ngời xuất hiện trong Ngày thơ Việt Nam năm nay. Cùng với sự hòa nhịp của nhiều nền văn học thế giới, thơ ca Việt Nam sẽ được chắp cánh vươn xa.

Yên Nga